"Cá mập" Pyn Elite Fund lỗ tháng thứ 4 liên tiếp
Giữa tháng 5, đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam ông Pyn Elite Fund cho rằng quỹ đã mua thêm CTG, VRE. Tuy nhiên, thực chiến thì ngược lại, quỹ đã bán ra giảm tỷ trọng VRE...
Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund vừa báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 5 với kết quả âm 1,6%. Như vậy, quỹ ngoại này đã có 4 tháng đầu tư thua lỗ liên tiếp. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 5, quỹ đã lỗ 13,13%, mức lỗ kỷ lục kể từ khi có mặt tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính riêng tháng 5, giá trị tài sản ròng của PYN Elite giảm 7,75 triệu Euro (tương đương gần 192 tỷ đồng), xuống còn gần 479 triệu Euro.
Tội đồ khiến Pyn ELite Fund lỗ kỷ lục là KDH với mức giảm 12,2%, CMG giảm 7,1% và MBB giảm 6,9%. Trong khi đó, KDC đã tăng 20,2%, Vinhomes tăng 10,2% và MIG tăng 4,5% nhờ đó hiệu suất của quỹ vẫn khá hơn so với mức giảm chung của Vn-Index là 5,4% trong tháng 5 vừa qua.
10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn của quỹ là VHM, CTG, VRE, TPB, VEA, ACV, MBB, HDB, SCS, KDH. Trong tháng 5, Pyn Elite Fund đã giảm tỷ trọng đáng kể tại VRE từ 9,9% tháng 4 xuống còn 9,5% trong tháng 5; ACV, VEA và MBB cũng bị giảm tỷ trọng, ngược lại mua thêm CTG, VHM.
Đáng lưu ý, ngay trong thời điểm giữa tháng 5, đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam và triển vọng, ông Pyn Elite Fund - người đứng đầu quỹ cho rằng quỹ đã bán bớt một số cổ phiếu như VEA, MBB và mua thêm CTG, VRE. Tuy nhiên, thực chiến thì ngược lại, quỹ đã bán ra giảm tỷ trọng VRE.
Đánh giá về thị trường thời gian gần đây, theo Pyn Elite Fund, đây là tháng thứ 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đổ lửa do chịu ảnh hưởng từ những sự kiện liên quan đến bắt bớ lãnh đạo thao túng chứng khoán và vi phạm các quy định huy động vốn từ thị trường trái phiếu.
Gần đây nhất, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Tổng Giám đốc HOSE đều bị miễn nhiệm do để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, một số công ty chủ động hoặc bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn, qua đó ảnh hưởng đến nguồn vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Vì vậy, thanh khoản giao dịch giảm 30% xuống còn 760 triệu USD, từ mức trung bình 12 tháng là 1,1 tỷ USD. Số dư cho vay ký quỹ tại các công ty môi giới hàng đầu đã giảm 20-30% vào cuối tháng 5 từ quý 1/2022.