Các hãng công nghệ đồng loạt sa thải nhân viên: Hiệu ứng "boomerang" hay vì kinh tế suy thoái?
Các đợt sa thải lớn của các công ty công nghệ đang làm dấy lên lo ngại về một nền kinh tế bất ổn…
Cổ phiếu nhiều công ty công nghệ đang lâm vào tình trạng "tuột dốc không phanh". Các doanh nghiệp này cũng đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải nhân sự lớn nhất từ trước đến nay. Theo phân tích của Crunchbase, kể từ tháng 7 năm nay, hơn 30 nghìn nhân viên từ các công ty công nghệ tại Hoa Kỳ đã bị sa thải, bao gồm Meta - công ty mẹ của Facebook, công ty chia sẻ xe hơi Uber và thậm chí có cả các tên tuổi "nhẵn mặt" trong lĩnh vực tiền điện tử.
Tốc độ đào thải nhân viên tại các công ty công nghệ đã khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi lớn, do chỉ mới cách đây gần một thập kỷ, ngành công nghiệp này vốn phát triển rất nhanh, rộng rãi và luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực. Tuy nhiên theo các nhà kinh tế học, đây là một quy luật bình thường, và các chu kỳ bùng nổ - phá sản có những mối liên hệ phức tạp với nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Yahoo Finance, cố vấn kinh tế của LinkedIn, ông Guy Berger đã nói: "Hiện tại, ngành công nghệ đang có chiều hướng đi xuống. Nó cũng giống như vòng quay của boomerang vậy, lúc tăng thì rất nhanh nhưng lúc giảm thì cực mạnh".
CHU KỲ BÙNG NỔ VÀ SỤP ĐỔ CỦA NGÀNH CÔNG NGHỆ
Lĩnh vực công nghệ vẫn đang nằm trên quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua. Nếu như ở những năm 2010 chỉ có các công ty như Google, Amazon,...mới có được vị thế mạnh và được coi là một trong những động lực thúc đẩy thị trường lớn nhất lịch sử thì tới nay, có đến hàng loạt những "cơn sốt" khởi nghiệp tràn đến thung lũng Silicon, kéo theo đó là những đợt đầu tư lớn và sự ra đời của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo nghiên cứu của Brookings, việc làm trong lĩnh vực công nghệ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 4,4% - gấp 3 lần so với các nền kinh tế khác.
Trong thời gian đầu diễn ra đại dịch, tốc độ phát triển ấy lại ngày càng mạnh mẽ. Việc gia tăng nhu cầu đặt hàng tại nhà của khách hàng đòi hỏi sự trợ giúp của những sản phẩm công nghệ và các công ty khởi nghiệp về công nghệ nhiều hơn.
Năm 2021, tổng doanh thu hàng năm của 5 ông lớn công nghệ là Amazon, Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Facebook đã đạt mức kỷ lục với 1,2 nghìn tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Đồng thời, đại dịch cũng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp chuyển sang kinh doanh các mặt hàng về công nghệ. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của ngành công nghệ không kéo dài được lâu và con lắc ngành đang ngày một thu hẹp.
Thị trường công nghệ bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm 2022. Hàng nghìn tỷ USD trên thị trường đã mất đi chỉ trong vòng vài ngày vào tháng 5 do thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên Bang để chống lại lạm phát gia tăng thông qua lãi suất cao hơn.
Cổ phiếu công nghệ thường không tăng giá tốt trong môi trường kinh tế bất ổn với lãi suất cao và giá cả leo thang. Trong những thời điểm như thế này, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các mặt hàng an toàn hơn như vàng, trong khi các cổ phiếu đầu cơ và rủi ro cao như công nghệ lại rơi vào tình trạng "đóng băng".
Các yếu tố khác như ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra cũng góp phần làm tăng thêm sự bất ổn của nền kinh tế, khiến toàn bộ thị trường lâm vào trạng thái hỗn loạn. Cũng vì đó mà cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và có thể còn mắc kẹt lâu dài trong hố sâu của suy thoái thị trường.
Ông Berger nói: "Tôi nghĩ sự suy thoái của ngành công nghệ là do ở một mức độ nào đó, lĩnh vực này đã phát triển quá nhanh về phía cuối của chu trình tăng giá, và hiện tại nó lại trở thành tâm chấn để ổn định lại thị trường".
LO SỢ SUY THOÁI
Tới nay, tình trạng sa thải hàng loạt tại các công ty công nghệ vẫn chưa thực sự ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế nói chung. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn ở mức 3,6%, thấp hơn nhiều so với thời kỳ đầu diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái sẽ sớm xảy ra trong năm nay hoặc năm sau. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chỉ là chuyện một sớm một chiều, và điều này sẽ xảy ra một khi tình trạng của ngành công nghệ hiện nay lặp lại ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
"Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy ảnh hưởng của điều này lên phần còn lại của nền kinh tế, nhưng nếu có lo ngại về một cuộc suy thoái trong tương lai, điều chúng ta cần làm là chặt chẽ theo dõi các lĩnh vực khác và ngăn chặn vòng lặp diễn ra", ông nói.
Hiện tại, tình trạng sa thải nhân viên chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp không có đủ vốn để tuyển dụng trong thời kỳ đại dịch. Nhưng trong trường hợp có sự thay đổi, rất có thể đó là dấu hiệu tịnh tiến của các lực lượng kinh tế lớn hơn.
"Tôi nghĩ điều này đáng để theo dõi thật kỹ rằng, liệu nó có lây lan hay không? Liệu có phải chỉ các công ty lớn mới sa thải nhân viên không? Nếu có thì đó có phải các công ty công nghệ không, hay chỉ là lời truyền miệng của mọi người?", ông Burger nói.