Các hãng logistics thế giới đã ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp Việt vẫn còn “loay hoay” vì thiếu vốn
Hạn chế tài chính, nhận thức của lãnh đạo về công nghệ 4.0 và logistics xanh chưa cao khiến doanh nghiệp logistics trong nước đầu tư, triển khai manh mún, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp…
Logistics đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, xuất hiện xuyên suốt ở mọi giai đoạn, từ cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, lắp ráp cho đến phân phối, bán buôn, bán lẻ. Trong mỗi mắt xích này, logistics đảm nhận nhiệm vụ vận tải, lưu kho, lưu bãi và quản lý các hoạt động một cách hiệu quả, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành trơn tru và tối ưu.
ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ 4.0 VÀ LOGISTICS XANH TẠI VIỆT NAM CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
Công nghệ 4.0 và logistics xanh là hai yếu tố then chốt hỗ trợ chuỗi cung ứng hiện đại. Công nghệ 4.0, với các ứng dụng nổi bật như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, mang lại những cải tiến vượt bậc cho ngành logistics.
Bên cạnh đó, logistics xanh hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường thông qua việc áp dụng các hệ thống vận tải xanh như xe điện và xe chạy bằng năng lượng thay thế, triển khai các kho bãi xanh tiết kiệm năng lượng và không gian, đồng thời phát triển hệ thống đóng gói thân thiện với môi trường như sử dụng bao bì tái chế. Ngoài ra, logistics xanh còn thúc đẩy các hoạt động tái chế và sản xuất sạch, góp phần tạo nên một hệ sinh thái bền vững trong chuỗi cung ứng.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã áp dụng thành công những giải pháp này. Amazon và Walmart nổi tiếng với hệ thống quản lý kho tự động và thông minh, trong khi Unilever và IKEA cam kết sử dụng bao bì tái chế và thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, hãng bưu chính Mỹ UPS cũng đã triển khai AI và Big Data để tối ưu lộ trình giao hàng, còn hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL sử dụng AI và Big Data để dự báo nhu cầu, tối ưu hóa kho bãi và vận chuyển. Những ví dụ này không chỉ chứng minh hiệu quả của công nghệ 4.0 và logistics xanh mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp khác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, phải nhanh chóng thích nghi với xu thế mới.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), việc áp dụng công nghệ 4.0 và logistics xanh còn gặp nhiều khó khăn.
“Hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cùng hơn 46.000 doanh nghiệp liên quan, nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với vốn trung bình chỉ khoảng 10 tỷ đồng”, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương nói.
Bà cho biết một khảo sát năm 2021 với các doanh nghiệp logistics cho thấy doanh nghiệp đã áp dụng điện toán đám mây – một công nghệ dễ tiếp cận. Tuy vậy, các công nghệ phức tạp hơn như blockchain hay AI vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.
Theo thông tin được bà Hương đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024, có khoảng 50-60% doanh nghiệp logistics đang ứng dụng các công nghệ khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp logistics nước ngoài đã đầu tư mở rộng hoạt động, ứng dụng nhiều loại công nghệ để giữ vững vị thế đứng đầu. Tuy vậy, doanh nghiệp logistics trong nước vẫn còn sử dụng công nghệ cơ bản trong vận hành, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ thấp.
“Số lượng doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều. Các doanh nghiệp hiện nay chỉ áp dụng phần mềm quản lý đơn lẻ cho từng bộ phận, giải pháp có tính tích hợp cao chưa phổ biến”, bà Hương cho biết.
Theo lãnh đạo Hiệp hội VALOMA, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp này là hạn chế về tài chính. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào những giải pháp công nghệ hiện đại. Ngoài ra, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về tầm quan trọng của công nghệ 4.0 và logistics xanh còn chưa cao, dẫn đến sự do dự trong quyết định đầu tư. Việc triển khai công nghệ tại các doanh nghiệp cũng diễn ra manh mún, rời rạc, thiếu giải pháp tổng thể, khiến hiệu quả không được như mong đợi.
CÁCH TIẾP CẬN TOP-DOWN ĐỂ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP LOGISTICS VIỆT NAM
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, logistics xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực đổi mới từ phía doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam hoàn toàn có khả năng bắt kịp xu hướng thế giới, góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững trong tương lai.
Theo PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, phát triển xanh và phát triển công nghệ là hai yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận từ trên xuống dưới (top-down) được xem là phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Do đó, giải quyết các khó khăn này cần sự kết hợp giữa nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ nhà nước.
Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng lộ trình rõ ràng và tận dụng mọi cơ hội để áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics xanh. Về phía nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách hỗ trợ và ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới.
“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam mất rất nhiều thời gian, thậm chí vài năm, chỉ để áp dụng một phần mềm quản lý cơ bản. Một số doanh nghiệp đã phải trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực để thích nghi với công nghệ mới. Điều này cho thấy vấn đề tài chính vẫn là một thách thức lớn. Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước và liên kết chặt chẽ với nhau để cùng vượt qua khó khăn này”, bà Trịnh Thị Thu Hương nói.
Về giải pháp nhân lực, bà Hương cho biết các trường đại học tại Việt Nam đang bắt nhịp rất tốt với xu hướng công nghệ hiện đại. Nhiều chương trình đào tạo đã tích hợp các học phần liên quan đến công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, và quản lý logistics.
“Trong vòng 5-7 năm tới, dự kiến sẽ có một thế hệ sinh viên tốt nghiệp với kiến thức vững vàng về các công nghệ này, giúp giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở chỗ liệu nguồn nhân lực này có phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hay không, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam nói.