Các ông lớn công nghệ sẵn sàng chi hàng tỷ USD, thâu tóm các startup

Hoàng Hà
Chia sẻ

Làn sóng thâu tóm năm 2025 không chỉ là câu chuyện về tiền bạc, mà còn là cuộc chạy đua để định hình tương lai công nghệ...

Các tập đoàn như Google, Meta, Nvidia, di chuyển trong "mê cung Pac-Man" của ngành công nghệ, sẵn sàng nuốt chửng các startup để củng cố vị thế.
Các tập đoàn như Google, Meta, Nvidia, di chuyển trong "mê cung Pac-Man" của ngành công nghệ, sẵn sàng nuốt chửng các startup để củng cố vị thế.

Thế giới công nghệ đang được ví như một trò chơi Pac-Man - trò chơi điện tử kinh điển do công ty Namco của Nhật Bản phát triển, ra mắt lần đầu tiên vào ngày 22/5/1980. Đây là một trong những trò chơi điện tử nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu. Và các gã khổng lồ công nghệ đang chứng tỏ bản lĩnh của mình trong trò chơi này. Cụ thể, các tập đoàn như Google, Meta, Nvidia, di chuyển trong "mê cung Pac-Man" của ngành công nghệ để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bằng cách tạo ra công nghệ mới hoặc nuốt chửng các startup để củng cố vị thế.

Chỉ trong tuần qua, Google đã hoàn tất thương vụ lớn nhất lịch sử công ty, Nvidia được cho là đã mua Gretel, còn Meta đang săn lùng một startup chip AI. Làn sóng thâu tóm này có thể chưa dừng lại. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm rung chuyển gần như mọi lĩnh vực liên quan đến công nghệ và một chính quyền mới tại Nhà Trắng có thể thân thiện hơn với các vụ mua bán, các “ông lớn” đang tích cực tìm kiếm cơ hội để mở rộng đế chế của mình.

Theo phân tích của trang Bloomberg, thế giới công nghệ giống như một mê cung, nơi Big Tech phải điều hướng qua các thách thức về phần cứng, phần mềm và nhân tài để xây dựng những sản phẩm thay đổi thế giới – hoặc ít nhất là mang lại lợi nhuận khổng lồ. Trên hành trình đó, họ phải tránh những “con ma” như quy định pháp lý, sự lỗi thời của sản phẩm, hay phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng. Để duy trì sức mạnh, họ liên tục thâu tóm các startup – những “viên thuốc nhỏ” đầy tiềm năng – biến chúng thành một phần cốt lõi của nền tảng mình sở hữu, như cách Meta mua Instagram năm 2012 hay Google thâu tóm YouTube năm 2006.

LÀN SÓNG THÂU TÓM BÙNG NỔ TRONG NĂM 2025

Vào tuần trước, Google đã chính thức ký kết thương vụ mua lại Wiz – một startup an ninh mạng – với giá 32 tỷ USD, sau khi lời đề nghị 23 tỷ USD hồi tháng 7 năm ngoái bị từ chối. Để thuyết phục Wiz, Google đã chi thêm 9 tỷ USD và chấp nhận mức phí hủy hợp đồng lên tới 10% (3,2 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức 4-7% thường thấy trong các vụ sáp nhập công nghệ. Động thái này cho thấy hai điều: Google thực sự khao khát sở hữu Wiz và họ tự tin rằng thương vụ sẽ không gặp trở ngại lớn sau khi ký kết.

Cùng lúc đó, Meta được cho là đang nhắm đến FuriosaAI – một startup Hàn Quốc chuyên về cơ sở hạ tầng phần cứng AI – nhưng lời đề nghị 800 triệu USD của họ đã bị từ chối. Trong khi đó, Nvidia – vốn ít khi thâu tóm – cũng được đồn đoán đã mua Gretel, một startup dữ liệu tổng hợp (synthetic data) với giá vượt mức định giá gần nhất là 320 triệu USD. Gretel cung cấp công nghệ tạo ra các tập dữ liệu nhân tạo có đặc điểm giống dữ liệu thật, giúp cải thiện mô hình AI mà không xâm phạm quyền riêng tư – một mảnh ghép chiến lược cho Nvidia.

Các tập đoàn công nghệ đã chi hơn 54 tỷ USD thâu tóm các startup trong quý 1/2025
Các tập đoàn công nghệ đã chi hơn 54 tỷ USD thâu tóm các startup trong quý 1/2025

Theo dữ liệu từ CB Insights, trong quý 1 năm 2025, 11 startup được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm đã bị thâu tóm với giá trên 1 tỷ USD, tổng giá trị đạt 54,5 tỷ USD – con số kỷ lục trong một quý, phần lớn nhờ thương vụ Wiz của Google. Để so sánh, cả năm ngoái chỉ có 2 startup được mua với giá trên 1 tỷ USD. Sự bùng nổ này cho thấy Big Tech đang tăng tốc trong cuộc đua sở hữu công nghệ và nhân tài.

MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO CÁC THƯƠNG VỤ THÂU TÓM

Có nhiều lý do để tin rằng làn sóng thâu tóm sẽ tiếp tục kéo dài. Đầu tiên, môi trường pháp lý đã thay đổi đáng kể. Lina Khan – người từng gây chú ý với bài viết “Amazon’s Antitrust Paradox” và giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) – đã rời vị trí. Người kế nhiệm Andrew Ferguson được kỳ vọng sẽ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với các vụ sáp nhập. 

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC vừa qua, ông Ferguson đã nhấn mạnh: “Nếu một vụ sáp nhập hoặc hành vi nào vi phạm luật chống độc quyền và tôi có thể chứng minh điều đó trước tòa, tôi sẽ đưa ra tòa. Còn nếu không, tôi sẽ tránh xa và để thị trường tự vận hành. FTC sẽ không dùng các biện pháp dưới chuẩn để trì hoãn các thương vụ mà không kiện tụng chính thức. Nếu chúng tôi cho rằng nó vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ đấu tranh. Nếu không, chúng tôi sẽ rút lui và để thị trường làm việc của nó”.

Bên cạnh đó, phía người bán - các startup - cũng sẵn sàng hơn. David Chen, trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư công nghệ toàn cầu tại Morgan Stanley, nói rằng “sự sẵn sàng giao dịch của người bán đã cải thiện”, một phần do biến động thị trường. Nỗi lo về suy thoái kinh tế và nguy cơ thị trường giảm giá có thể khiến các nhà sáng lập startup muốn “hạ cánh an toàn” trong vòng tay của một gã khổng lồ công nghệ, biến khối tài sản trên giấy thành tiền mặt thực sự. Ngay cả những nhà sáng lập “không biết sợ” cũng có lúc dao động.

XÂY DỰNG HAY MUA LẠI?

Trong bối cảnh AI đang bùng nổ, các tập đoàn lớn phải đối mặt với câu hỏi: tự xây dựng hay đi mua? Nếu một startup sở hữu thứ họ cần – một sản phẩm, công nghệ độc đáo, hay đội ngũ tài năng – việc thâu tóm là cách “đổi tiền lấy thời gian”. Với tốc độ thay đổi chóng mặt của AI, các ông lớn như Google, Meta hay Nvidia – vốn đã dự kiến chi 315 tỷ USD cho chi tiêu vốn trong năm nay – sẵn sàng chi thêm để sở hữu công cụ và nhân tài cần thiết nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Đây không phải lúc để giữ tiền chờ cơ hội rẻ hơn.

Nvidia, dù chỉ thâu tóm 30 công ty theo dữ liệu Crunchbase (so với 267 của Alphabet và 256 của Microsoft), vẫn cho thấy sự thay đổi chiến lược với thương vụ Gretel. Điều này chứng tỏ ngay cả những công ty ít mua sắm nhất cũng không thể đứng ngoài cuộc đua AI.

Với việc nhà đầu tư đua nhau đẩy giá cổ phiếu của các công ty dẫn đầu về AI, các thương vụ lớn dường như là tất yếu. Sức mạnh tài chính của Big Tech hiện ở mức đỉnh cao, với bảng cân đối kế toán vững chắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự bất ổn chính sách – vốn tăng vọt trong năm nay – có thể là yếu tố cản trở. Nếu không bị thâu tóm, nhiều startup này có thể đã trở thành công ty đại chúng, thậm chí là đối thủ đáng gờm của chính Big Tech.

Làn sóng thâu tóm năm 2025 không chỉ là câu chuyện về tiền bạc, mà còn là cuộc chạy đua để định hình tương lai công nghệ. Trong thế giới mà AI đang thay đổi mọi thứ, Big Tech không chỉ chơi trò Pac-Man để sinh tồn, mà còn để đảm bảo họ luôn là người đứng đầu "mê cung".

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con