Cần “người gác cổng” cho thuốc, thực phẩm chức năng nguồn gốc thiên nhiên
Hiện chưa có những tiêu chuẩn, hay quy định pháp lý về việc thế nào là thuốc hay thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự chưa rõ ràng này để trục lợi...
Tại hội thảo trực tuyến “Thuốc và thực phẩm chức năng nguồn gốc thiên nhiên: Giải pháp phát triển trong giai đoạn Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chính sự hạn chế trên khiến tình trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn phổ biến.
LỖ HỔNG PHÁP LÝ
Hiện nay, các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài giấy phép do Bộ Y tế cấp xác định đó là thuốc hay thực phẩm chức năng thì không có bất cứ cơ quan nào xác nhận đó có phải là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hay không. Việc quảng cáo là sản phẩm thiên nhiên do chính doanh nghiệp tự công bố.
"Nhiều doanh nghiệp mập mờ trong việc công bố nguồn gốc nguyên liệu có hay không sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường".
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam
GS TS Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam phản ánh, nhiều thực phẩm chức năng dù đã được bảo hộ bởi Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhưng bị mạo nhận rất nhiều, làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh.
“Chưa có bộ tiêu chí nhận diện sản phẩm có xuất xứ từ thiên nhiên chính là lỗ hổng về mặt pháp lý cho phát triển các sản phẩm này”, ông Long nhận định, đồng thời cũng tán thành với ý kiến về việc giao các cơ sở sản xuất tự công bố tiêu chuẩn nên doanh nghiệp tự ý in thông tin nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cần có bộ tiêu chí để nhận diện thế nào là sản phẩm thiên nhiên, giúp người tiêu dùng phân biệt được các dòng sản phẩm. Sản phẩm bắt nguồn từ thiên nhiên phải có những tiêu chí rõ ràng về hàm lượng hay tỷ lệ thành phần và phải được một cơ quan chuyên môn công nhận chứ không thể phó mặc cho doanh nghiệp tự công bố như hiện nay.
"Bởi điều này là hết sức nguy hiểm, nếu thuốc và thực phẩm chức năng là loại sản phẩm đặc thù thì chỉ cần một yếu tố không đúng như quảng cáo cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chữa bệnh cũng như sức khỏe người tiêu dùng" ông Hoàng cảnh báo.
AI LÀ NGƯỜI PHÊ DUYỆT CÁC TIÊU CHUẨN?
Tại hội thảo, các ý kiến đều thừa nhận, việc có những quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng thế nào là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nói chung, sản phẩm dược và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên nói riêng không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết, được sản phẩm mà còn tạo một hành lang pháp lý cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.
"Không như thời bao cấp theo cấp hành chính, tức cấp xã thấp hơn huyện, huyện thấp hơn tỉnh, tỉnh thấp hơn Trung ương. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng. Chính quan điểm này giải phóng cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, vị thế của mình".
PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
Vì thế ông Hoàng đề xuất, nên giao việc này cho Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam làm đầu mối để soạn thảo bộ tiêu chuẩn khung theo tinh thần tham khảo quốc tế. Và trước mắt nên trao luôn cho cơ quan này chức năng thẩm định và cấp chứng nhận cho các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Không đồng thuận với đề xuất trên, PGS Lê Văn Truyền cho rằng đến bây giờ quan niệm về quản lý chất lượng đã thay đổi, nó phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Quyền xây dựng tiêu chuẩn Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp. Nếu tiêu chuẩn cơ sở (doanh nghiệp) cao hơn tiêu chuẩn dược liệu Việt Nam thì cực kỳ đáng hoan nghênh.
Và các nhà sản xuất có thể đề xuất một tổ chức khoa học có đủ năng lực để làm việc này cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm là tự nguyện.
Điều ông Truyền băn khoăn là cuối cùng, tiêu chuẩn này cơ quan nào thông qua và phê duyệt. “Nếu là cơ quan chức năng thì Cục an toàn thực phẩm có ý kiến, nếu là thuốc dược liệu hay cổ truyền thì Cục quản lý y dược cổ truyền. Đây là điều đáng bàn”.