Chủ tịch Quốc hội: Thất thoát nhiều do cơ chế quản lý đất đai
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, cái gì liên quan đến đất của nhà nước phải đấu giá công khai để thu tiền
Nhà nước thất thoát rất nhiều do cơ chế quản lý đất đai nhưng nhiều người lại giàu lên, thành đại gia bất động sản từ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận.
Tiếp tục phiên họp thứ 28, sáng 16/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về ngân sách ngắn hạn và trung hạn.
Tại đây, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 lên khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn 60.000 tỷ đồng so với hạn mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.
Nhấn mạnh nguyên tắc không được nới trần nợ công và bội chi, Chủ tịch Quốc hội phân tích, trần đầu tư công 2016 - 2020 là hai triệu tỷ, nếu có điều chỉnh vốn ngoài nước như Chính phủ đề nghị thì phần điều chỉnh lấy từ dự phòng chứ không được đội trần.
Lưu ý những khoản chi cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì nên ưu tiên theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Quốc phòng phải quản lý theo đúng luật và tính chất chi, cái nào thường xuyên, cái nào xây dựng cơ bản thì chi đúng yêu cầu đó.
Với khoản chi kiên cố hóa trường lớp học lẽ ra chấm dứt từ 2015 nhưng sau đó cho kéo dài tới 2018, theo Chủ tịch vì đây là chi cho giáo dục và thuộc vùng sâu, vùng xa miền núi nên đề nghị cho kéo hết 2019 và các địa phương phải có trách nhiệm triển khai cho được.
Chủ tịch cũng đề nghị Chính phủ sửa lại nghị định 126 ngay từ quý này để đúng với Luật Ngân sách nhà nước.
Tiền bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thì nghị định này quy định nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nội dung này sai với điều 35, 37 của Luật Ngân sách nhà nước, Chủ tịch phát biểu.
Theo Chủ tịch thì phải nộp ngân sách trung ương những khoản thu hồi từ doanh nghiệp do ngân sách trung ương đầu tư, nộp ngân sách địa phương đối với những khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế . Từ 2019 phải thực hiện theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh .
Đề nghị tiếp theo từ bà Nguyễn Thị Kim Ngân là từ 2019 trở đi phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại, bao gồm cả trường hợp đất đó đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê hoặc đất đai có tài sản sở hữu nhà nước trên đất.
Trừ trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để thực hiện dự án tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình, dự án hạ tầng quan trọng theo Luật Đất đai, còn tất cả các trường hợp phải đấu giá công khai, Chủ tịch Quốc hội nhấn lại.
Vẫn theo Chủ tịch, nếu cần thiết thì ngân sách nhà nước ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân, sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách nhà nước.
Cơ chế giao đất thu tiền 1 lần, cho thuê đất thuộc doanh nghiệp nhà nước theo kiểu hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không rõ ràng, thất thoát tiền bạc của nhà nước. Thất thoát không phải do tham nhũng mà do cơ chế quản lý.
"Bây giờ người ta giàu lên trở thành đại gia bất động sản từ việc này. Cho nên, phải đấu giá công khai, cái gì liên quan đến đất của nhà nước phải đấu giá công khai để thu tiền", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 hoặc nghị quyết kỳ họp Quốc hội thứ sáu cần đưa thêm yêu cầu nói trên để Quốc hội sẽ giám sát.
Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích, trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn Chính phủ xin điều chỉnh tăng 60.000 tỷ cho ODA, lấy từ giảm tương ứng 60.000 tỷ của trái phiếu Chính phủ chứ không phải lấy vào dự phòng, tức là cơ cấu lại chuyển từ vay trong nước thành vay ngoài nước.
Trong 60.000 tỷ đó thì 51.000 tỷ cho 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Số rà soát lại tất cả ODA của các bộ điều chỉnh tăng thêm chỉ có 9.000 tỷ, hơn 30.000 tỷ kia đã tính trong 60.000 tỷ rồi của 3 dự án đường sắt đô thị khi Bộ Chính trị cho ý kiến, không phải 60.000 tỷ này lấy trong dự phòng, ông Huệ cho biết.