Chứng khoán Mỹ khựng lại sau tín hiệu cứng rắn của Fed, giá dầu tăng 3% do tồn kho của Mỹ giảm mạnh
S&P 500 đã trải qua phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong sắc đỏ, nhưng nhà đầu tư có vẻ không bị ảnh hưởng tâm lý nhiều bởi phát biểu của ông Powell...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/6) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và cho rằng lạm hát sẽ không giảm về mục tiêu của Fed “trong năm nay hoặc năm tới”. Giá dầu thô tăng mạnh, đảo ngược phiên giảm hôm thứ Ba, sau khi số liệu thống kê bất ngờ cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 74,08 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 33.852,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,04%, còn 4.376,86 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,27%, đạt 13.591,75 điểm.
Nasdaq tăng phiên này nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm dưới sức ép đến từ những phát biểu cứng rắn mà ông Powell đưa ra.
Tại một diễn đàn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức ở Sintra, Bồ Đào Nha, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nói Fed có thể tăng thêm lãi suất và không loại trừ khả năng nối lại việc tăng lãi suất ngay từ cuộc họp tháng 7.
S&P 500 đã trải qua phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong sắc đỏ, nhưng nhà đầu tư có vẻ không bị ảnh hưởng tâm lý nhiều bởi phát biểu của ông Powell - theo nhận định của bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng của công ty. LPL Financial. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, bà Krosby nói tâm lý của thị trường nhìn chung còn vững nhờ những dấu hiệu về sự vững vàng của nền kinh tế. Trước phiên này, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Ba.
“Một nền kinh tế đang mạnh đồng nghĩa rằng suy thoái sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Xét tới sự vững vàng của thị trường lao động hiện nay, nền kinh tế có thể hấp thụ được thêm một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm” trong cuộc họp tháng 7 - bà Krosby nhận định.
Fed có thể tăng thêm lãi suất và không loại trừ khả năng nối lại việc tăng lãi suất ngay từ cuộc họp tháng 7.
Còn theo CEO Phil Blancato của công ty Ladenburg Asset Management, ông Powell “không sai” khi duy trì sự thắt chặt của chính sách tiền tệ. Ông Blancato cũng lưu ý những xu hướng mùa vụ, với kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ 4/7 đang đến gần “sau khoảng thời gian nửa đầu năm phi thường đối với cổ phiếu tăng trưởng”.
“Thị trường đang rất cần một sự nghỉ ngơi vào lúc này”, ông nói.
Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 79,4% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7 và duy trì mức lãi suất này cho tới hết năm - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Cổ phiếu Apple lập kỷ lục mọi thời đại về giá nội phiên, đồng thời đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp chốt phiên ở mức giá đóng cửa cao chưa từng thấy. Tesla, Microsoft và Alphabet là vài trong số những cổ phiếu nâng đỡ S&P 500 nhiều nhất trong phiên này.
Trong khi đó, Nvidia - cổ phiếu chip được nhà đầu tư đặt cược nhiều nhất trong cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - đóng cửa với mức giảm 1,8%. Nvidia là một trong những cổ phiếu gây áp lực giảm nhiều nhất lên S&P 500 phiên này, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Mỹ có thể áp hạn chế mới đối với việc xuất khẩu con chip AI sang Trung Quốc.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,77 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 74,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,86 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 69,56 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến tuần thứ hai liên tiếp. Dữ liệu này giúp bù lại mối lo rằng việc tăng lãi suất lên cao hơn có thể gây giảm tốc tăng trưởng kinh tế và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Theo EIA, lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, vượt xa mức dự báo giảm 1,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
“Nói chung, số liệu này là một sự phản bác lại những ý kiến cho rằng thị trường dầu đang thừa cung. Báo cáo này có thể khiến giá dầu khó mà giảm thêm được nữa”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nói với hãng tin CNBC.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn thận trọng rằng lãi suất tăng có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, dẫn tới sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu. “Nếu có ai đó dội gáo nước lạnh vào thị trường thì chắc chắn đó là Chủ tịch Fed”, ông Flynn nhấn mạnh.
Một số chuyên gia vẫn dự báo thị trường dầu sẽ thắt chặt trong nửa sau của năm nay, một phần do các kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+. Saudi Arabia, thủ lĩnh của liên minh này, cũng có kế hoạch cắt giảm sản lượng riêng từ tháng 7.