Chứng khoán Mỹ nhích lên nhờ lợi suất trái phiếu hạ nhiệt, dầu thô vững giá dù Mỹ tuyên bố xả dự trữ
Nhờ sự giảm nhiệt của lợi suất, các nhà đầu tư gom mua cổ phiếu công nghệ trở lại, giúp thị trường đi lên...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/11), khi lợi suất trái phiếu kho bạc chững lại sau đợt tăng mạnh gần đây, cho phép cổ phiếu công nghệ hồi phục. Giá dầu thô giảm nhẹ khi giới đầu tư băn khoăn về tác dụng của việc Mỹ và một loạt quốc gia phối hợp xả dự trữ chiến lược.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,23%, đạt 4.701,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,44%, đạt 15.845,23 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,03%, còn 35.804,38 điểm.
Mấy phiên vừa qua, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo vì sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang mạnh. Sau khi ông Jerome Powell được Tổng thống Joe Biden đề cử cho một nhiệm kỳ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nữa, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 1,68% trong tuần này, từ mức 1,55% đóng cửa cuối tuần trước.
Cuối phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,64%. Nhờ sự giảm nhiệt của lợi suất, các nhà đầu tư gom mua cổ phiếu công nghệ trở lại, giúp thị trường đi lên.
Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, tăng 1,1%, tạo cú huých cho Nasdaq. Cổ phiếu hãng máy tính HP tăng 10,1% sau báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 khả quan hơn dự báo.
Tuần này tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau. Vào đầu tuần, nhà đầu tư rút vốn khỏi cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác, và đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu năng lượng. Phiên này chứng kiến sự chảy ngược lại của các dòng vốn.
“Đây chắc chắn là một sự xoay chiều nữa của dòng tiền. Với việc ông Powell được bổ nhiệm, thị trường đang nghĩ nhiều hơn về sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và tạm gác những mối lo về số ca nhiễm mới Covid-19 tăng lên”, chiến lược gia Rob Haworth của Bank Wealth Management nhận định.
Biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed đã được công bố trong ngày thứ Tư, cho thấy ngân hàng trung ương này sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và nâng lãi suất nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm sau khi biên bản này được công bố, nhưng dần chuyển xanh trở lại vào cuối phiên.
Tâm lý nhà đầu tư còn được hỗ trợ bởi một số tin kinh tế khả quan, bao gồm số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở Mỹ là 199.000, mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ sau điều chỉnh là 2,1%, dù thấp hơn mức kỳ vọng 2,2%, nhưng cao hơn con số 1,9% công bố lần đầu. Cả thu nhập và tiêu dùng cá nhân đều tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 10.
Tuy nhiên, số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền bất ngờ giảm trong tháng 10. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (CPE) lõi, một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 4,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở châu Âu, nơi Đức đang cân nhắc phong toả toàn quốc.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,06 USD/thùng, chốt ở 82,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,11 USD/thùng, còn 78,39 USD/thùng.
Phiên vững giá này của dầu thô cho thấy nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về tác dụng của Mỹ cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh phối hợp xả dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu. Quyết định xả dự trữ được Mỹ công bố vào hôm thứ Ba, trong bối cảnh giá xăng ở nước này cao nhất trong nhiều năm và lời đề nghị của Washington muốn OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn đã bị liên minh này phớt lờ.
Giới phân tích nói rằng tác dụng của động thái này đối với giá dầu có thể không kéo dài, bởi ngành công nghiệp dầu lửa toàn cầu đã cắt giảm đầu tư trong nhiều năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu lại tăng mạnh khi nền kinh tế thế giới hồi phục từ sau đại dịch Covid-19.
Theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, đợt xả dự trữ này có thể chỉ bổ sung thêm 70-80 triệu thùng dầu ra thị trường, ít hơn so với kỳ vọng xả 100 triệu thùng mà thị trường đã phản ánh vào giá dầu.
“Theo mô hình của chúng tôi, việc xả dự trữ như vậy chỉ có thể khiến giá dầu giảm 2 USD/thùng là phù hợp, ít hơn nhiều so với đợt bán tháo đã lên tới 8 USD/thùng từ cuối tháng 10 đến nay”, báo cáo nhấn mạnh, so sánh mức xả dự trữ đó như “muối bỏ bể”.
Thị trường đang chờ xem liệu OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga, sẽ phản ứng như thế nào với động thái xả dự trữ của các quốc gia nói trên. Cuộc họp chính sách sản lượng tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào tuần tới.
Thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm và sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ trong phiên ngày thứ Sáu.