Chứng khoán Mỹ tụt điểm vì cổ phiếu công nghệ, giá dầu lên cao nhất 10 tháng
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này vẫn là các báo cáo lạm phát, gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/9), khi cổ phiếu Oracle lao dốc sau kết quả kinh doanh đáng thất vọng, gây áp lực lên toàn bộ nhóm công nghệ. Giá dầu tăng gần 2%, lên mức cao nhất trong 10 tháng, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nguồn cung sẽ thắt chặt trong thời gian tới.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq trượt 1,04%, còn 13.773,61 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,57%, còn 4.461,9 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 17,73 điểm, tương đương giảm 0,05%, còn 34.645,99 điểm.
Cổ phiếu Oracle có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2002 và trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trong S&P 500 phiên này, sụt 13,5% sau khi hãng phần mềm công bố doanh thu quý 2 và dự báo doanh thu đều không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Cổ phiếu các công ty là đối thủ cạnh tranh của Oracle trong lĩnh vực điện toán đám mây, gồm Amazon, Alphabet và Microsoft, cũng giảm theo.
“Oracle không phải là một cổ phiếu quá lớn, nhưng được xem là sự phản ánh mức chi tiêu của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của Oracle đã gây thất vọng trong phiên ngày hôm nay, và đó là một trong những nguyên nhân gây áp lực giảm lên cả Nasdaq và S&P 500”, nhà sáng lập Kim Forrest của công ty Bokeh Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.
Cùng ngày, hãng Apple tổ chức sự kiện trình làng sản phẩm mới, trong đó có loạt điện thoại iPhone 15, nhưng cổ phiếu của hãng giảm 1,7% khi đóng cửa. Một cổ phiếu công nghệ khác là Adobe giảm khoảng 4% trước khi công ty dự kiến công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này vẫn là các báo cáo lạm phát, gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đến là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào ngày thứ Năm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra quyết định lãi suất vào ngày thứ Năm, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ.
Đợt số liệu lạm phát này của Mỹ sẽ là một căn cứ quan trọng cho các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Hiện tại, thị trường gần như tin chắc rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19-20/9. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần trong cuộc họp vào tháng 11 hoặc tháng 12 vẫn ở mức trên 40%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở mức 92,06 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,55 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 88,84 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 11/2022. Ngoài ra, trên phương diện kỹ thuật, cả hai loại dầu đều đã ở trong tình trạng được mua quá nhiều (overbought) trong 8 ngày liên tiếp - theo hãng tin Reuters.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng công bố ngày thứ Ba, OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2023 và 2024, trên cơ sở cho rằng các nền kinh tế lớn đang có những tín hiệu cho thấy tăng trưởng tốt hơn dự báo. Tổ chức này cho rằng trong năm 2024, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,25 triệu thùng mỗi ngày.
“Giá dầu thô tăng sau khi báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy thị trường dầu sẽ thắt chặt nhiều hơn so với kỳ vọng ban đầu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu Oanda nhận định.
Trong một báo cáo hàng tháng khác, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ mức 99,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên mức 101,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 102,9 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Theo báo cáo, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng từ 99,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 101 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Kỷ lục hiện tại của sản lượng dầu toàn cầu là 100,5 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2018, và kỷ lục về tiêu thụ là 100,8 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019 - theo EIA.
Báo cáo của cơ quan này dự báo lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng nửa triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm 2023, dẫn tới giá dầu Brent tăng và đạt bình quân 93 USD/thùng trong quý 4 năm nay.
Về Mỹ, EIA dự báo sản lượng dầu thô sẽ tăng từ mức 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 13,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024; trong khi nhu cầu sẽ tăng từ 20 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 20,1 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 20,3 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Kỷ lục về sản lượng dầu thô hiện tại của Mỹ là 12,3 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019, và kỷ lục về nhu cầu là 20,8 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2005.