Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh tuần này nhờ Fed hạ lãi suất
“Các nhà đầu tư xem việc Fed giảm mạnh lãi suất là một chất xúc tác tích cực", một chuyên gia nhận xét...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/9) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, nhưng hoàn tất một tuần tăng mạnh nhờ động thái giảm lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô giảm phiên này, nhưng tăng hơn 4% trong cả tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 38,17 điểm, tương đương tăng 0,9%, đạt 42.063,36 điểm. Đây là mức chốt phiên cao kỷ lục mới của chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,19%, còn 5.702,55 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,36%, còn 17.948,32 điểm.
Trước đó, vào hôm thứ Năm - một ngày sau khi quyết định hạ lãi suất của Fed được công bố - Dow Jones lần đầu tiên vượt 42.000 điểm và S&P 500 lần đầu vượt 5.700 điểm.
Cả ba chỉ số chính cùng tăng điểm trong tuần này. S&P 500 tăng 1,36%, ghi nhận tuần tăng thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây, và đã tăng 19% từ đầu năm. Dow Jones tăng 1,62% cả tuần, trong khi Nasdaq tăng 1,49%.
Hôm thứ Tư, Fed hạ lãi suất với mức giảm lớn 0,5 điểm phần trăm. Sau động thái giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020 của ngân hàng trung ương Mỹ, thị trường đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày trong sắc đỏ. Phản ứng tích cực đã xuất hiện vào phiên ngày hôm sau, khi nhà đầu tư mua mạnh các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và đưa các chỉ số lên đỉnh cao mới.
Trong phát biểu đầu tiên của giới chức Fed sau cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell vào hôm thứ Tư, Thống đốc Fed Christopher Waller nói với hãng tin CNBC vào hôm thứ Sáu rằng lạm phát đang giảm nhanh hơn so với những gì ông kỳ vọng, và vì vậy, ông ủng hộ việc giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
“Các nhà đầu tư xem việc Fed giảm mạnh lãi suất là một chất xúc tác tích cực”, Giám đốc nghiên cứu đầu tư Mark Hackett của công ty Nationwide nói với CNBC.
“Fed có khả năng thuyết phục được nhà đầu tư một cách hiệu quả rằng việc giảm mạnh lãi suất là biện pháp chủ động để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, thay vì là một phản ứng nhằm giữ ổn định tăng trưởng kinh tế. Phản ứng của thị trường cho thấy nhà đầu tư có niềm tin vào Fed và tinh thần lạc quan kiểu ‘cốc nước đầy một nửa’”, ông Hackett nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,52%, chốt ở mức 74,49 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,03 USD/thùng, tương đương giảm 0,04%, còn 71,92 USD/thùng.
Mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang gây áp lực giảm lên giá dầu, nhưng tuần này, giá dầu Brent và WTI đều ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, với mức tăng hơn 4%. Giá “vàng đen” đã duy trì đà phục hồi kể từ khi giá dầu Brent giảm xuống dưới mức 69 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 năm vào hôm 10/9.
“Thị trường kết luận rằng phải suy thoái kinh tế mới phù hợp với giá dầu dưới 70 USD/thùng… Tuần này, động thái giảm lãi suất của Fed đã giúp làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank phát biểu với hãng tin Reuters.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Năm - sự phản ứng tích cực như có độ trễ một ngày sau khi Fed hạ lãi suất.
“Việc Mỹ hạ lãi suất đã thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro, khiến đồng USD suy yếu và hỗ trợ giá dầu thô trong tuần này”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định. “Tuy nhiên, cần có thời gian để việc giảm lãi suất phát huy tác dụng hỗ trợ hoạt động kinh tế và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu”.
Tuần này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động khai thác dầu khí trên Vịnh Mexico chưa phục hồi hoàn toàn sau bão Francine, số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 năm, và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.