Chứng khoán tháng 12 câu chuyện nào được quan tâm nhất?
Hàng loạt các yếu tố được xem là hỗ trợ nhịp hồi phục của VN-Index đang có xu hướng chuyển động tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên không phải không có những rủi ro...
VN-Index tăng 65,94 điểm (+6,41%) trong tháng 11, đóng cửa tại 1.094,13. Thanh khoản cải thiện khi khối lượng giao dịch cao hơn 16,4% so với tháng trước. Tiếp đà tăng trưởng, VN-Index diễn biến những phiên đầu tháng 12 với những tín hiệu chuyển tiếp ổn định hơn.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường tháng 12, SSI Research cho hay trên biểu đồ trong hạn, chỉ số nhiều lần chạm ngưỡng 1.075 và hồi phục trở lại quanh vùng 1.100. Theo đó, VNIndex đã tích lũy quanh vùng 1.075-1.100 trong phần lớn thời gian tháng 11 vừa qua.
Về những chỉ báo kỹ thuật ở biểu đồ trung hạn, RSI vận động trong vùng trung tính và có những tín hiệu tích cực dần. ADX chưa thoát khỏi xu hướng giảm nhưng sức mạnh xu hướng giảm suy yếu cho thấy áp lực giảm điểm trên thị trường dần triệt tiêu.
Như vậy, chỉ số VN-Index có xu hướng chuyển động với tín hiệu tích cực hơn trong tháng 12/2023 từ tín hiệu trung tính trước đó. Dự kiến, biên độ dao động của chỉ số có khả năng diễn ra trong phạm vi 1.065 -1.175 điểm. Trường hợp rủi ro mốc chặn dưới 1.065 không được giữ vững, vùng 1.000- 1.020 là vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index. Nếu vùng này bị xâm phạm cho thấy xu hướng phục hồi của thị trường suy yếu và nhà đầu tư cần nhanh chóng cân bằng danh mục để quản trị rủi ro.
Bốn yếu tố có thể hỗ trợ nhịp hồi phục này tiếp diễn được SSI phân tích.
Thứ nhất, tỷ giá hạ nhiệt. Tỷ giá tăng mạnh vốn là yếu tố tác động chính đến nhịp chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong tháng 11, tỷ giá USD/VND giảm 1,2% so với tháng trước và xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá sẽ được duy trì nhờ kỳ vọng FED đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 25,8 tỷ USD từ đầu năm).
Thứ hai, chính sách tiền tệ. Xu hướng giảm của lãi suất. lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong tháng 11. Lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh về mức tương đương 2021 trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu từ nửa cuối tháng 11 khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Lãi suất càng về mức thấp khiến lợi suất đầu tư trên thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, đặc biệt với mức định giá P/E 11,5 lần dựa trên triển vọng một năm tới (tương đương lợi suất 8,6% so với lãi suất huy động 5,3% đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần).
Thứ ba, chính sách tài khóa. Tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công cho động lực tăng trưởng. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho phép kéo dài gói cắt giảm thuế VAT đến 30/6/2024. Giá trị giải ngân đầu tư công tháng 11 ghi nhận là tháng cao nhất trong vòng 2 năm qua và áp lực giải ngân trong 2 tháng còn lại của năm tài khóa vẫn còn khá lớn khi khối lượng cần giải ngân vào khoảng 230 nghìn tỷ đồng.
Thứ tư, mùa kết quả kinh doanh quý 4. Hiệu ứng nền so sánh thấp: với tín hiệu hồi phục kinh tế tích cực hơn trong tháng 11 và mức giảm 33,5% so với cùng kỳ của lợi nhuận quý 4/2022 của thị trường, kỳ vọng lợi nhuận của thị trường sẽ có quý4/2023 là quý đầu tiên tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm.
Phù hợp với góc nhìn kỹ thuật, SSI cũng đánh giá nhịp hồi phục này có thể tiếp diễn nhưng chưa đặt nhiều kỳ vọng cho đến khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa được nền kinh tế và cụ thể hơn là các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chính thức quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Các rủi ro với thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại vẫn bao gồm môi trường lãi suất cao ở Mỹ kéo dài hơn, sự phục hồi không như kỳ vọng của nền kinh tế trong nước, hệ thống KRX chậm triển khai so với kế hoạch. Tuy nhiên, độ biến động của thị trường sẽ hẹp dần bởi thị trường đang ở giai đoạn hồi phục ban đầu sau nhịp giảm sâu và dòng tiền sẽ năng động tìm kiếm cơ hội khi các yếu tố rủi ro nhẹ dần.