Chuyển đổi số trong nông nghiệp: “Chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin, nền nông nghiệp mới vươn xa”
Ngành nông nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu, vì chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa...
Sáng 18/6, Hội nghị trực tuyến "Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì, kết nối với 63 tỉnh thành trên cả nước.
CẦN MINH BẠCH DỮ LIỆU, THÔNG TIN TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thực trạng nền nông nghiệp hiện nay đang có sự không rõ về thông tin, nên đã, đang ảnh hưởng đến mối quan hệ cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường không rõ về sản xuất sẽ dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ.
Hiện đã kết nối được vạn vật, nhưng câu chuyện chỉ kết nối từ cánh đồng đến hệ thống phân phối trong nông nghiệp lại quá khó khăn, do vậy Bộ trưởng Hoan cho rằng, trước hết là minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn tàu”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
“Các đơn vị, lãnh đạo trong ngành phải có trách nhiệm với ngành và hệ sinh thái bền vững để mai sau có một nền nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Hoan nói và cho rằng, vì vậy ngành nông nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu. Từ cơ sở dữ liệu này sẽ phân tích thông tin và nhờ công nghệ, số hóa có thể kế hoạch hóa được sản xuất.
“Tôi mong toàn ngành nông nghiệp phải hiểu không ai muốn lỡ nhịp tàu, đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động về phía trước, mà phải dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó để khởi hành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn tàu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Người đồng chủ trì hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, với chuyển đổi số, những nơi đi sau thường sẽ về trước. Chuyển đổi số có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Theo ông Hùng, khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp vì không có thương hiệu.
Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số là quá trình học hỏi, thay đổi cách làm nông nghiệp nhờ dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy cách làm phải đơn giản những gì phức tạp để việc thay đổi mọi người đều dễ áp dụng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn cho nông dân nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.
CHUYỂN ĐỔI SỐ NHÌN TỪ CHUYỆN "QUẢ VẢI LÊN SÀN"
Ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) nhận xét bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản bắt đầu từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (VnPost). Điều này cho thấy người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến.
"Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Trước bán nải chuối bà con mang ra chợ bán trực tiếp cho người mua nhưng áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả một quy trình chăm sóc".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.
Nếu như trước đây chỉ một vài nghìn người mua bán mỗi ngày thì nay con số đã tăng lên hàng trăm nghìn. Trong đó, riêng từ 1/6 đến nay, các sàn đã có trên 4,5 triệu lượt người mua vải thiều. Ông Hòa cũng cho biết, các sàn thương mại điện tử đưa vào vận hành từ 6 – 7 năm nhưng vẫn chưa có nhiều đột phá, tuy nhiên đến khi đưa quả vải lên sàn thì đã có sự thay đổi đột phá.
“Người dân có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn”, lãnh đạo VNPost cho hay.
Cùng câu chuyện “quả vải lên sàn”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Trước bán nải chuối bà con mang ra chợ bán trực tiếp cho người mua nhưng áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả một quy trình chăm sóc, và người mua có thể giám sát quy trình chăm sóc mà không cần một khu vườn nào cả.
“Khi áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp, cho phép nông dân bán nhiều thứ chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần”, ông Dũng nhìn nhận.
Theo vị Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Từ đó có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới.