Cổ phiếu ngân hàng “chìm nghỉm”
Hôm nay là “ngày của tin tức vĩ mô” và dĩ nhiên thị trường đã chuẩn bị tinh thần cho chuỗi tin xấu. Tăng trưởng GDP giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định tới tâm lý. Nhóm cổ phiếu tài chính lao dốc chóng mặt, nhưng may mắn chỉ số vẫn đang được đỡ từ các trụ còn lại...
Hôm nay là “ngày của tin tức vĩ mô” và dĩ nhiên thị trường đã chuẩn bị tinh thần cho chuỗi tin xấu. Tăng trưởng GDP giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định tới tâm lý. Nhóm cổ phiếu tài chính lao dốc chóng mặt, nhưng may mắn chỉ số vẫn đang được đỡ từ các trụ còn lại.
VN-Index trượt dốc khá dài đến tận 10h52 để “tiêu hóa” những thông tin bất lợi. Mức giảm sâu nhất của chỉ số là dưới tham chiếu 0,83%, cũng không giảm quá nhiều.
Tuy nhiên lo lắng là có thật, phản ánh trên độ rộng của VN-Index. Cùng với đà lao dốc ở chỉ số, độ rộng sàn HoSE cũng co hẹp rất nhanh. Lúc chỉ số chạm đáy, sàn này chỉ có 90 mã tăng/308 mã giảm. Tuy nhiên phần thời gian còn lại, đà giảm đã thu hẹp lại và độ rộng cũng tốt hơn. Chốt phiên chỉ số giảm 4,29 điểm tương đương 0,32% và có 125 mã tăng/278 mã giảm.
Dĩ nhiên đà hồi những phút cuối đến từ các blue-chips là chính. VN30 từ chỗ chỉ có 3 mã tăng là GAS, MSN và MWG đã nâng lên thành 9 mã lúc chốt phiên sáng. Số giảm vẫn là 19 mã. VN30-Index từ mức giảm sâu nhất 0,73% cũng co lại còn giảm 0,25%.
Phần lớn cổ phiếu blue-chips chỉ phục hồi theo hướng bớt giảm, không nhiều mã vượt qua được tham chiếu. Cổ phiếu ngân hàng đang gây bão khi giảm đồng loạt. Không chỉ blue-chips, toàn bộ các mã ngân hàng trên 3 sàn thì chỉ có BVB và PGB là tăng, TPB, SGB, VBB tham chiếu, còn lại đều giảm.
Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì có tới 7 mã là ngân hàng. VCB giảm 1,61%, BID giảm 1,62%, VPB giảm 1,5%, TCB giảm 1,1% là bốn mã xấu đầu bảng.
Tuy nhiên rất may mắn là không nhiều trụ khác không giảm cùng ngân hàng. VNM mất 0,22%, SAB giảm 1,34% là duy nhất. Còn lại VIC tăng nhẹ 0,46%, VHM tăng 0,25%, GAS tăng 2,31%, GVR tăng 0,84%, MSN tăng 1,84%, HPG tăng 1,14%.
Cổ phiếu dầu khí vẫn còn mạnh nhưng không mạnh dữ dội như ngày hôm qua. Ngoài GAS, PLX tăng 0,98%, PVD tăng 2,02%, PVC tăng 0,87%. Một số mã đã giảm như PVS giảm 1,41%, PVB giảm 1,88%, PVT giảm 1,5%... số khác chỉ tham chiếu.
Sàn HoSE cuối phiên sáng vẫn có gần 70 mã đang tăng trên 1%, vài mã kịch trần có thanh khoản tương đối như ASP, HUB, CNG, PGC. Tuy vậy các mã này giá trị giao dịch cũng chỉ vài tỷ đồng và dư mua trần không lớn. Ngược lại, tuy VN-Index giảm khá nhẹ nhưng cổ phiếu cũng gần 170 mã đang bốc hơi trên 1% giá trị. Nếu nhìn qua chỉ số thì giảm sâu nhất là VNSmallcap đại diện các mã nhỏ, đang giảm 0,82% so với tham chiếu và VNMidcap giảm 0,95%. Tuy nhiên các chỉ số này cũng không phản ánh trung thực biến động giảm khá sâu của cổ phiếu cụ thể.
Thanh khoản phiên sáng khá yếu với mức khớp lệnh 8.611,2 tỷ đồng trên HoSE, giảm 6% so với sáng hôm qua và 1.259 tỷ đồng trên HNX, giảm 23%. Mặt tích cực là có thể nhìn nhận dưới góc độ thông tin vĩ mô xấu nhưng áp lực bán tháo không nhiều. Tuy nhiên mức giảm đối với cổ phiếu khá sâu tức là nhà đầu tư vẫn đang quan sát là chính, chỉ số có thể được cân trụ nhưng số lớn cổ phiếu cụ thể thì không tốt.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch khá chậm, với tổng giá trị giải ngân trên HoSE mới đạt 333,5 tỷ đồng, bán ra 643,5 tỷ đồng. Như vậy khối này đã quay lại bán ròng 310 tỷ đồng. Không có cổ phiếu nào bị bán ròng đột biến, nhưng số lượng khá nhiều: STB, HPG bị bán ròng trên 30 tỷ đồng; nhóm DGC, NVL, VIC, GAS, CTG, GVR, GEX, HDB, DBC, BID, NKG, VND, SSI bị bán khá nhiều. Phía mua ròng chỉ dồn vào VNM với 38,4 tỷ và MBB với 25,8 tỷ đồng.