Cổ phiếu VIC xuống đáy 15 tháng, vốn ngoại tiếp tục tháo chạy
Những hậu quả nặng nề của cổ phiếu siêu vốn hóa VIC đang khiến thị trường “co giật” không lối thoát. Nhịp rơi mạnh của mã này đã bẻ gục đà đi lên của VN-Index từ giữa phiên...
Những hậu quả nặng nề của cổ phiếu siêu vốn hóa VIC đang khiến thị trường “co giật” không lối thoát. Nhịp rơi mạnh của mã này đã bẻ gục đà đi lên của VN-Index từ giữa phiên.
Giao dịch của VIC ít phút đầu phiên cũng giống hôm qua, có cầu bắt đáy với hi vọng giá sẽ dừng giảm quanh vùng đáy cũ. Cổ phiếu này tăng nhẹ 0,35% chỉ trong khoảng 3 phút sau khi có giá mở cửa, để rồi toàn bộ thời gian còn lại là cắm đầu giảm.
VIC chốt phiên sáng bốc hơi tiếp 2,57% giá trị và chỉ trong 4 phiên đầu tháng 2 đã giảm 13,92%. Tạm chốt mức 83.500 đồng, VIC đã tụt về đáy thấp nhất 15 tháng. Mức này tương đương vùng giá cuối tháng 1/2021 của VIC.
Thanh khoản của cổ phiếu này vẫn duy trì mức rất cao, sáng nay khối lượng khớp đạt gần 5,39 triệu, tương đương 453,3 tỷ đồng. Khối ngoại bán ra tổng cộng gần 2,64 triệu cổ, tức là chiếm 49% thanh khoản. Tổng mức bán ròng đạt 191,4 tỷ đồng.
VIC đang trong nhịp giảm cực mạnh khi nhà đầu tư chiết khấu những thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh quý 4/2021. Vấn đề là VIC rơi quá nhanh nên các phiên bắt đáy nhanh chóng tạo thua lỗ rất lớn. Thực tế các nhà đầu tư thạo tin không mấy bất ngờ về số liệu. Tuy nhiên trong khoảng 9 phiên cuối tháng 1 vừa qua, VIC tích lũy khối lượng tới trên 24 triệu cổ do được bắt đáy mạnh quanh mức giá tích lũy trong tháng 11/2021. Ước tính với mức giá bình quân khoảng 95.000 đồng của 9 phiên này thì khối lượng nói trên đã lỗ hơn 12%.
Ngoài VIC, sáng nay không có nhiều blue-chips giảm mạnh. VHM cũng chỉ mất 0,86% dù đứng thứ hai trong số các mã kéo lùi chỉ số VN-Index nhiều nhất. Ảnh hưởng của VHM chủ đạo là do vốn hóa, chứ không phải mức biến động giá. Cả rổ VN30 ngoài VIC, chỉ thêm VJC, KDH và BVH là giảm quá 1%. Độ rộng của rổ này ghi nhận 10 mã tăng/18 mã giảm chỉ số giảm 0,34%. Như vậy biến động giá cũng khá nhẹ ở cổ phiếu.
Điều khiến VN-Index bị ảnh hưởng sáng nay là dù mới có VIC kéo xuống là chủ đạo, nhưng cũng không có nhiều mã lớn đủ mạnh để cân bằng. Cổ phiếu dầu khí tiếp tục giao dịch xuất sắc, với GAS tăng 1,45%, PLX tăng 1,35%, nhưng vẫn rất hạn chế về vốn hóa. Cổ phiếu ngân hàng thì chỉ có MBB tăng 1,5% là đáng kể. VN-Index chỉ đủ trụ để cầm cự, chốt phiên sáng giảm 0,35 điểm tương đương 0,02%.
Dù vậy diễn biến của bản thân chỉ số cũng như độ rộng sàn HoSE cho thấy có yếu tố suy yếu trên diện khá rộng. VN-Index đạt đỉnh lúc 10h30, tăng 0,5% so với tham chiếu với 236 mã tăng/173 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng chỉ còn 200 mã tăng/227 mã giảm. Rổ blue-chips VN30 cũng vậy, lúc cao trào, duy nhất VJC giảm giá nhưng sau đó đà giảm áp đảo. Thống kể cho thấy có tới 18/30 mã của rổ tụt giảm trên 1% so với đỉnh cao nhất buổi sáng.
Tình trạng nguội lạnh là phổ biến trên thị trường sáng nay dù hiện VNSmallcap vẫn đang tăng tốt nhất 0,57%. Độ rộng của rổ cũng chỉ cân bằng 102 mã tăng/91 mã giảm. Cả sàn HoSE có 11 mã đang kịch trần, nhưng chỉ lác đác vài mã có thanh khoản tốt như QBS, PXI, APH, DIG, PTC.
Khối ngoại sáng nay bán mạnh ở cổ phiếu. FUEVFVND được mua ròng tới 231,3 tỷ đồng nhưng vị thế giao dịch của khối này vẫn là bán ròng 133,3 tỷ đồng tại HoSE. Duy nhất VGC là cổ phiếu được mua ròng trên 20 tỷ, VNM gần 18 tỷ, còn lại không đáng kể. Trong khi đó số bán ròng ngoài VIC, có cả loạt mã trên 20 tỷ đồng như MSN (-34,6 tỷ), HPG (-34 tỷ), DXG (-28 tỷ), SSI (-27 tỷ), GEX (-26 tỷ), KBC (-24,2 tỷ).
Thanh khoản thị trường sáng nay cũng tụt giảm khá sốc. HoSE chỉ khớp được 11.752 tỷ đồng, giảm gần 20% so với sáng hôm qua. VN30 khớp 5.468 tỷ, giảm gần 18%. Một trong những lý do khiến thanh khoản giảm là giao dịch tại các mã ngân hàng khá đuối: Các cổ phiếu ngân hàng sàn HoSE chỉ chiếm 25% giá trị sàn trong buổi sáng, trong khi bình quân 3 phiên đầu tuần chiếm trên 29%.