Đã có 211 doanh nghiệp công bố lợi nhuận, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ
Tổng lợi nhuận sau thuế của 211 doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại trong Q3/2024, đạt 30,9% so với cùng kỳ...
Tính đến ngày 18/10/2024 đã có 211 doanh nghiệp niêm yết đại diện 11,8% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3, bao gồm 1/27 Ngân hàng, 24/35 công ty chứng khoán và 186/1562 doanh nghiệp Phi tài chính.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 211 doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại trong Q3/2024, đạt 30,9% so với cùng kỳ thấp hơn mức tăng 45,2% của quý 2 trước đó.
So với quý liền trước, quy mô lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm 9,3%, trong đó đáng chú ý là Chứng khoán với mức giảm 35,8%, ghi nhận ở nhiều công ty chứng khoán như HCM, VCI, SHS, BSI, MBS. Sự sụt giảm này cũng không quá bất ngờ trong bối cảnh thị trường chứng khoán quý 3 kém thuận lợi, khiến lợi nhuận từ mảng cho vay margin và tự doanh cùng kém đi.
Mặc dù vậy, một số trong nhóm này vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã HCM) lợi nhuận trước thuế quý 3 của công ty đạt 275 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HSC ghi nhận lợi nhuận đạt 1.011 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 70% kế hoạch năm 2024.
Trong quý 3, VCI báo lãi sau thuế 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Giải trình về kết quả lợi nhuận này, Công ty cho biết đã thực hiện hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu từ các tài sản FVTPL tăng mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay ký quỹ cũng tăng trưởng mạnh.
Quý 3, SHS ghi nhận hơn 276 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm không tương xứng, đạt hơn 163 tỷ đồng, giảm 21%. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh SHS lãi ròng của SHS chỉ còn 69 tỷ đồng, lao dốc 65% so với cùng kỳ.
Nhóm có lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ bao gồm Ngân hàng (đại diện duy nhất là LPB), Công nghệ thông tin (FPT), Bất động sản chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ như SGR, D2D, VPH, Thép (HPG, TNS), Chăn nuôi DBC có lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ, Dệt may (TNG), Cao su (TRC, TNC). Một số doanh nghiệp nhỏ có lợi nhuận đột biến bao gồm LAF và PSD.
Theo đó, LPB ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 và hiện cũng là ngân hàng duy nhất có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 lên tới 3 con số. Cụ thể, lãi trước thuế quý 3/2024 của LPB tăng 134% (gấp 2.3 lần) so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 2.900 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp trong năm 2024, LPB ghi nhận lãi trước thuế tăng vượt bậc so với cùng kỳ.
Với 3 quý liên tiếp tăng mạnh lợi nhuận, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của LPB đạt hơn 8.818 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, cũng nhờ nguồn thu lãi và ngoài lãi đều tăng tốc. Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10,500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. So với kế hoạch, Ngân hàng thực hiện được 84% chỉ tiêu sau 9 tháng.
Quý 3/2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3,022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi ròng của Tập đoàn Dabaco đạt 312 tỷ đồng, cao gấp 25 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là khoản lợi nhuận lớn nhất trong vòng 5 quý.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có lợi nhuận quý 3 đáng thất vọng, bao gồm DRC (-39,3% so với cùng kỳ), PVT (-13,2%), PVB (-134,9%). Nhóm bất ngờ báo lỗ trong quý 3/2024 có APG, PPC, VOS.
So với cùng kỳ năm 2023, doanh thu của DRC đạt 1.277 tỷ đồng tăng 8%; lợi nhuận sau thuế giảm 29.736 tỷ đồng tương đương giảm 39%. Hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm chủ yếu do giá nguyên vật liệu tăng cao, tỷ giá giảm làm tăng lỗ chênh lệch tỷ giá.
PVB báo lỗ 6,63 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ năm 2023 lỗ 2,82 tỷ đồng là do doanh thu của quý 3 chỉ đạt 21,61 tỷ đồng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 41,81 tỷ đồng nên không đủ bù đắp được giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ.