Đầu tư PPP đang có dấu hiệu chững lại
Hàng loạt các dự án thực hiện theo hình thức PPP đã được triển khai tại Việt Nam, nhưng các tranh chấp liên quan đến loại dự án này ngày càng tăng, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên…
Theo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021), có tới 157 dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong 24 dự án hạ tầng giao thông, có tới 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.
TP.HCM QUẢN LÝ TRÊN 64.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ THEO PPP
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy hiện thành phố đang quản lý 22 dự án triển khai theo hình thức hợp đồng đối tác công – tư (PPP), tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành công tác xây dựng hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và 11 dự án chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng.
Hợp đồng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) chiếm chủ yếu với tỷ trọng 54,5% (12 dự án), tiếp đến là hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) chiếm tỷ trọng 31,8% (07 dự án), hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) chiếm tỷ trọng 9,1% (02 dự án), và hợp đồng BT kết hợp BOT chiếm tỷ trọng 4,6% (01 dự án).
Chia sẻ tại hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức PPP”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 07/7/2022, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho rằng với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Các quy định về đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT là cơ sở pháp lý đầu tiên về đầu tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Tuy nhiên, để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC, mặc dù đã xây dựng được một khung khổ pháp lý tương đối cho việc triển khai các dự án PPP, nhưng qua thời gian vận hành cho thấy nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế khiến doanh nghiệp không thấy phù hợp.
Theo đánh giá từ VIAC, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH YKVN, cho biết hiện ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất ở Đông Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Còn theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.
Hiện các dự án đang được vận hành dưới hình thức hợp đồng PPP tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như: đường sắt Việt Nam, đường sắt miền Tây Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – đường Vành đại 3. Bốn dự án metro tại TP.HCM được được kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư là 9,7 tỷ USD.
Theo ông Nghĩa đầu tư PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại. Cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch chiến lược, trung và dài hạn cho PPP. Do đó, việc triển khai PPP chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến tư duy ngại khó, các dự án cơ sở hạ tầng chưa có thứ tự ưu tiên.
So sánh giữa các dự án PPP ở các quốc gia EU và tại Việt Nam, trong đó, nổi bật là mô hình PPP tại Đức, ông Leif Schneider, Phó Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết trước đây, với Nghị định 63/2018/NĐ-CP, nhà đầu tư gặp khá nhiều cản trở nhất là trong việc chia sẻ rủi ro khi triển khai thực hiện hợp đồng, điều này làm giảm đáng kể sức hút của các dự án PPP tại Việt Nam.
“Luật PPP đã phần nào khắc phục và cải thiện được những hạn chế trước đây. Tuy vậy, dự án PPP tại Việt Nam vẫn cần có thêm thời gian để thực hiện các phép thử, nhằm đánh giá xem khung pháp lý mới mà luật PPP đặt ra có thực sự hiệu quả hay không”, ông Leif Schneider nói.
PPP CẦN LINH HOẠT
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, dù Luật Đầu tư PPP 2020 đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án nhưng nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng dẫn đến nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn thực hiện trong thực tế.
Còn ông Leif Schneider cho rằng khung pháp lý về PPP tại Việt Nam đang không có sự chắc chắn, điều nay sẽ gây nên cản trở lớn cho việc đầu tư, tham gia vào các dự án PPP. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cân nhắc về việc tạo nên một khung pháp luật đủ ổn định để củng cố hơn lòng tin cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ông Lê Nết, Công ty Luật LNT&Partners, cũng cho biết thêm về pháp lý nên có những quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục nhanh gọn; về mặt tài chính, chi phí đền bù giải tỏa thỏa đáng, chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư; đặc biệt, có những cơ chế chính sách, ưu đãi đối với nhà đầu tư như cam kết không cạnh tranh, tiền thuê đất, thuế…
Theo bà Cao Thị Phi Vân, các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan đang đẩy nhanh quá trình sửa đổi các quy định và hình thức PPP để thu hút đầu tư tư nhân qua hình thức PPP hấp dẫn hơn. Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện hơn về khung pháp lý để thu hút đầu tư qua hình thức PPP nhằm huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng và dịch vụ công hiệu quả.
Để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, theo ông Châu Việt Bắc việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng cần được chú trọng.