Đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh tại các địa phương
"Coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin. Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường..."
Đây là quan điểm của Bộ Xây dựng tại văn bản vừa gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đẩy mạnh thực hiện để triển khai phát triển đô thị thông minh bền vững theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Xây dựng lưu ý, phát triển đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số và phải gắn với công tác quy hoạch.
Các địa phương cần thống nhất nhận thức xuyên suốt rằng việc phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị. Coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin. Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường... Coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác;
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng người sử dụng là cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc triển khai đô thị thông minh và vai trò của tất cả các cấp, ngành trong triển khai đô thị thông minh.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra các các nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương để triển khai trọng tâm xây dựng theo Đề án 950. Đó là: chủ động xác định các vấn đề của địa phương mình để xem xét các nội dung, giải pháp triển khai phát triển đô thị thông minh phù hợp với điều kiện đặc thù riêng và xác định thứ tự ưu tiên thực hiện, hướng đến phục vụ người dân và cần được đề xuất, thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân;
Xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người sử dụng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ;
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; Thu hút, bồi dưỡng các chuyên gia phân tích dữ liệu để khai thác dữ liệu được chia sẻ hiệu quả.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu các nội dung triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển đô thị thông minh, chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai đô thị thông minh tại địa phương, sự tham gia của các bên liên quan.
Đặc biệt, người dân phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng Đề án đô thị thông minh bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển đô thị thông minh cần tiến hành dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào...