Đề xuất tăng lương hưu: Cần gắn với tổng thể chính sách cải cách tiền lương
Việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội phải gắn với tổng thể trong cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước, nhất là về lộ trình, bước đi cần được tính toán cho phù hợp
Quan điểm này được nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân chia sẻ với VnEconomy liên quan đến đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 8 nhóm đối tượng theo hai phương án của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đề xuất này hiện đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói với VnEconomy rằng, ông rất ủng hộ tăng lương hưu cho các nhóm đối tượng. Bởi vì, việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện thêm điều kiện về đời sống cho người nghỉ hưu. Trên thực tế, việc điều chỉnh lương hưu cũng là hết sức bình thường, còn trong các quy định của pháp luật hiện hành tùy theo từng thời kỳ sẽ phải điều chỉnh tăng lương hưu.
Mặc dù vậy, ông Huân lưu ý việc điều chỉnh tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt cân nhắc các yếu tố về thời điểm và mức tăng sao cho phù hợp, còn nếu có điều kiện để tăng sớm hơn cho người hưởng lương hưu thì đó là điều ai cũng mong muốn.
"Việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội luôn phải gắn với tổng thể trong cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước. Điều này có nghĩa là lộ trình, bước đi như thế nào phải tính toán cho phù hợp, có đi cùng với lộ trình tăng lương của người tại chức hay là tách riêng độc lập.
Vấn đề này trong đề án cách cách chính sách tiền lương tôi nghĩ chính các Bộ, ngành phải tham mưu cho Chính phủ, chứ không phải mình mong muốn đi sớm, tăng sớm là được. Rõ ràng việc tăng lương phải có tính đồng bộ và hài hòa với các chính sách, đối tượng khác", ông Huân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huân, hiện nay nguồn để tăng lương hưu bao gồm 2 nguồn. Trong đó, nguồn đối với người về hưu trước ngày 1/1/1995 sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả, còn những người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở lại đây thì sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu có thể không ảnh hưởng hoàn toàn đến ngân sách Nhà nước mà chỉ chiếm một phần.
"Vì lẽ đó tôi cho rằng, điều quan trọng là Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cần phải xác định rõ lộ trình điều chỉnh, hai là thời điểm, ba là mức điều chỉnh giữa lương hưu với các chính sách ưu đãi người có công khác, thậm chí cả tiền lương của nhóm đối tượng đang làm việc.
Những mối quan hệ này phải làm sao hài hòa, còn nếu xác định tăng lương hưu là bước đi độc lập với tăng lương của người tại chức thì thời điểm điều chỉnh có thể sẽ khác nhau", ông Huân bày tỏ.
Ông Huân cũng lần nữa nhấn mạnh, việc xác định thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1/7/2021 hay 1/1/2022 thì phải cân nhắc rất kỹ, còn với những người nghỉ hưu đương nhiên là họ luôn mong muốn tăng càng sớm càng tốt. "Đúng là đời sống của người nghỉ hưu ai cũng khó khăn, bởi vì về hưu thì mức lương hưu thấp hơn, nếu điều chỉnh trước được thì là điều ai cũng mong muốn nhưng chúng ta cần phải tính toán và cân nhắc nhiều yếu tố", vị nguyên Thứ trưởng phân trần.
Trước đó, trong dự thảo đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án một là điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2021 với mức tăng dự kiến là 10%.
Số người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.
Phương án 2 là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức dự kiến là 15%. Theo đó, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế.
Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.