Điều gì xảy ra nếu ông Biden đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris?
Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, việc nước này trở lại Hiệp định Paris là vô cùng quan trọng
Ông Joe Biden từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở hiệp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên chính thức nhậm chức, đảo ngược lại quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump năm 2017.
Hiệp định Paris được thiết lập vào năm 2015 với sự tham gia của gần 200 quốc gia nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Trải qua quy trình phức tạp trong hơn 3 năm, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11.
Theo CNBC, việc ông Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định này có thể tạo ra những ảnh hưởng quan trọng với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
HIỆP ĐỊNH CÓ 195 NƯỚC THAM GIA
Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều tham gia Hiệp định Paris. Trong số 195 quốc gia đã ký kết, 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chính thức thông qua hiệp định và chưa có quốc gia nào rút khỏi, trừ Mỹ.
"Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, việc nước này trở lại Hiệp định Paris là vô cùng quan trọng", nhà khoa học về khí hậu Natalie Mahowald của Đại học Cornell và cũng là đồng tác giả báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2018, nhận xét.
Hiệp định Paris là thỏa thuận không ràng buộc giữa các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải và giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tại, nhiệt độ trái đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C trong 2 thập kỷ tới.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2019, việc trái đất tăng thêm 2 độ C có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những mục tiêu về biến đổi khí hậu mà các quốc gia tham gia Hiệp định Paris đang cố gắng đạt được là chưa đủ.
Các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021. Tại đây, các nhà lãnh đạo sẽ cùng thảo luận và thông qua những mục tiêu mới tham vọng hơn tới năm 2030. Và tất cả đang dõi theo động thái của Mỹ.
Theo CNBC, để đưa Mỹ gia nhập lại Hiệp định Paris, ông Biden không cần phải thông qua Thượng Viện mà chỉ cần gửi một ý định thư tới Liên Hợp Quốc về việc này và chính thức trở lại hiệp định sau 30 ngày. Một khi Mỹ trở lại, nước này sẽ phải đưa ra các mục tiêu tự nguyện về giảm lượng khí thải và đặt các mục tiêu nghiêm ngặt hơn trong vài năm tới. Hiệp định cũng yêu cầu các nước tham gia bắt buộc báo cáo tiến độ thực hiện những mục tiêu này một cách chính xác.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ cam kết kiểm soát lượng khí thải thấp hơn 26-28% so với mức của năm 2005 vào năm 2025. Hiện tại, Mỹ vẫn còn cách mục tiêu này rất xa và tiến độ thực hiện bị đình trệ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi hơn 70 quy định lớn về môi trường bị loại bỏ trong suốt 4 năm qua.
VAI TRÒ DẪN DẮT CỦA MỸ TRONG NỖ LỰC CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU
Hiện tại, Mỹ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính, chỉ sau Trung Quốc và được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu.
"Sự dẫn dắt của Mỹ cùng thỏa thuận song phương Mỹ - Trung Quốc về việc cắt giảm lượng khí thải CO2 là điều quan trọng nhất để đưa Hiệp định Paris trở lại đúng lộ trình", bà Mahowald nhận xét. "Sự tham gia liên tục và dẫn dắt của Mỹ là điểm mấu chốt trong mọi nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu".
Với việc tái gia nhập hiệp định, Mỹ có thể sẽ đặt ra các mục tiêu mới về biến đổi khí hậu so với thời chính quyền Obama và một kế hoạch cụ thể nhằm giảm lượng khí thải từ lĩnh vực điện và năng lượng. Nói rộng hơn, Mỹ sẽ phải xây dựng lại niềm tin với các quốc gia trong hiệp định, đặc biệt là sau khi chính quyền của ông Trump phủ nhận hầu hết nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Trước đó, việc Trump loại bỏ một loạt quy định về môi trường của Mỹ và rút nước này khỏi Hiệp định Paris đã gây ra cú sốc lớn đối với các nước đồng minh và cộng đồng nhà khoa học quốc tế. Việc này cũng khiến hàng loạt bang, thành phố và doanh nghiệp của Mỹ "quay lưng" với chính phủ và tiếp tục thực hiện những kế hoạch riêng về khí hậu.
Theo CNBC, Mỹ có nhiều điều phải làm để bắt kịp các quốc gia khác với những sáng kiến quyết liệt về khí hậu. Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về khí thải carbon, cam kết đạt trạng thái cân bằng carbon (lượng carbon thải ra bằng với lượng carbon được loại bỏ) vào năm 2060. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cam kết đạt được trạng thái này vào năm 2050.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ đặt ra các mục tiêu về giảm lượng khí thải mới khi trở lại Hiệp định Paris và dẫn dắt các quốc gia khác cải thiện mục tiêu về biến đổi khí hậu. Cựu phó tổng thống Mỹ cũng có các kế hoạch chống biến đổi khí hậu vượt xa Hiệp định Paris, bao gồm kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, đạt lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050.