Doanh nghiệp viễn thông sẽ được cấp phép 4G vào tháng tới
Bộ Thông tin và Truyền thông đang chờ các doanh nghiệp viễn thông gửi hồ sơ cấp phép 4G
“Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ cấp giấy phép 4G cho các doanh nghiệp viễn thông vào tháng tới”, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, cho biết tại hội thảo quốc tế 4G LTE, ngày 18/8 tại Hà Nội.
Ông Tuấn Anh cho biết, thời điểm triển khai 4G được căn cứ trên quyết định 32/2012 về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020”, trên cơ sở hiệu quả đầu tư, nhu cầu của thị trường, độ phổ cập của thiết bị, lợi ích của xã hội và mức độ hoàn thiện của công nghệ.
“Xét theo các yếu tố trên thì thời điểm hiện tại đã đủ chín muồi để chính thức triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam”, ông nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, sau khi các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 4G mới đây, mong muốn của cơ quan quản lý là các đơn vị này cần phải thúc đẩy hơn nữa nhu cầu sử dụng dịch vụ 4G của người dùng, có nhiều ứng dụng dịch vụ tốt cho người dùng, đồng thời tính toán hiệu quả giữa bài toán đầu tư và nhu cầu thực tế, xem xét tận dụng sử dụng lại hệ thống mạng lõi, nhà trạm của hạ tầng (phần hạ tầng không bắt buộc phải thay mới) hiện có để tránh lãng phí tài nguyên.
Tất nhiên, theo ông, việc quyết định đầu tư và triển khai kinh doanh như thế nào là quyền của mỗi doanh nghiệp.
Vị đại diện đến từ Cục Viễn thông cho VnEconomy biết, hiện Bộ đang chờ các doanh nghiệp viễn thông gửi hồ sơ cấp phép 4G, trong đó có các nội dung cam kết như về hạ tầng mạng lưới, vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ (tốc độ tải)…Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét và thực hiện cấp phép 4G cho doanh nghiệp.
Trong một diễn biến liên quan đến giá cước 4G cũng như các gói cước sau khi ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone thực hiện thử nghiệm và cung cấp dịch vụ trên thị trường, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương - đối tác đã tham gia từ giai đoạn làm kế hoạch đến lộ trình triển khai 4G của các nhà mạng cho rằng, nếu tính theo dung lượng Mbps thì giá cước 4G không khác gì 3G, và đây được xem là điểm khởi đầu thuận lợi để phát triển 4G.
Theo ông Nam, khi chính thức thương mại hóa dịch vụ, các nhà mạng không nên bán 4G đắt hơn 3G, mà cần tạo ra nhiều dịch vụ, nhiều gói cước với dung lượng lớn như 10Gb hay 15 Gb (với 3G, gói cước dung lượng tối đa cũng chỉ khoảng 3Gb)… khi đó doanh thu trên từng thuê bao sẽ tăng lên.
Và vì thế, theo lãnh đạo của Qualcomm Đông Dương, nhà mạng không cần tăng giá cước 4G so với 3G thì tổng doanh thu vẫn tăng.
Theo thống kê của Qualcomm, trên thế giới hiện có khoảng 521 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 170 quốc gia, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ, với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.