Đổi mới tư duy khoa học, công nghệ và tài nguyên môi trường
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã để lại những dấu ấn quan trọng, đặc biệt là công tác giám sát
Ngày 22/3/2021, Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 15, tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021).
ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, với 42 thành viên đều là Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương và địa phương, năm năm qua các thành viên Uỷ ban với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm trí tuệ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của nước nhà.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường cũng ghi nhận, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 1/2021, Ủy ban đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra, giúp Uỷ ban thường vụ quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do các ủy ban khác của Quốc hội chủ trì. Đặc biệt, nội dung các Luật có nhiều điểm mới, đột phá như: đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng; đa dạng hóa nguồn lực... Ủy ban cũng phối hợp thẩm tra các dự án luật, phối hợp xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV và từng năm.
Điều quan trọng là các dự án luật do Ủy ban chủ trì thực hiện sau khi được ban hành đã có tác động rất lớn tới các ngành, các cấp và toàn dân, tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.
Trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, một trong những hoạt động lập pháp nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó là Ủy ban đã chủ trì thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi năm 2017). Trong bối cảnh Khoa học công nghệ thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng..., Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi ban hành và đưa vào cuộc sống đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển Khoa học công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường Khoa học công nghệ trong nước; kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam; tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến,...
Trong lĩnh vực tài nguyên & môi trường, Uỷ ban đã chủ trì thẩm tra các luật như: Luật Đo đạc bản đồ, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi năm 2020); trong đó dự án Luật Bảo vệ môi trường có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Dự án Luật Bảo vệ môi trường đã góp phần cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với pháp luật Bảo vệ môi trường thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; cải thiện chất lượng môi trường, phát triển bền vững...
CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỤ THỂ VÀ SÁT THỰC
Nhiệm kỳ Khóa XIV cũng ghi dấu sự đổi mới trong hoạt động của Ủy ban, đặc biệt trong thực hiện các chuyên đề giám sát. Các chương trình giám sát được xây dựng cụ thể, chi tiết và luôn thực hiện với quan điểm: giám sát cần phải sáng tạo và sát thực với địa phương, địa bàn và đi vào những vấn đề hóc búa mà cử tri và người dân quan tâm. Giám sát nhưng không quá phụ thuộc vào các báo cáo của Chính phủ, như vậy mới đạt hiệu quả cao.
Giám sát phải đưa ra những vấn đề mà cử tri hiện tại đang bức xúc và hướng giải quyết trong tương lai. Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước, việc đổi mới giám sát đã giúp Ủy ban có nhiều kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ủy ban cũng đã tổ chức 05 phiên giải trình của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan tại Ủy ban về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Các ý kiến tại hội nghị đều nhấn mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường là một tập thể trí tuệ, đoàn kết, có tư duy đổi mới; thẩm tra, xem xét giúp Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban cũng nỗ lực thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Quốc hội hi vọng Ủy ban tiếp tục kế thừa những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ủy ban được giao phó.
TIÊN PHONG TRONG ĐỔI MỚI TƯ DUY
Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban cũng bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo tổng kết,đồng thời các thành viên Ủy ban cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm qua nhiệm kỳ khóa XIV. Đó là: liên tục đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng và trách nhiệm của từng đồng chí là Thường trực Uỷ ban và thành viên Uỷ ban tạo nên sự đoàn kết, thống nhất. Trong công tác lập pháp, chủ động sớm triển khai các nhiệm vụ từ lúc được phân công, phối hợp chặt chẽ với tất cả các bên liên quan;
Trong công tác giám sát, lấy hiệu quả giám sát là thước đo, tiến hành khoa học, không hình thức, phô trương, lãng phí, bám sát đến kết quả cuối cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thường xuyên giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng của Vụ tham mưu, giúp việc.
Đất nước đang có sự chuyển mình về tư duy, chuyển mình về kinh tế, của Khoa học công nghệ và sự thay đổi của công tác bảo vệ môi trường. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (2021-2025) là nhiệm kỳ rất quan trọng, mở ra một giai đoạn mới trong xây dựng đất nước thành nước phát triển, một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Do đó, cần sự hoàn thiện về hệ thống pháp luật, hoàn thiện các công trình quan trọng quốc gia đặt nền tảng cho phát triển...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường phải tiên phong trong đổi mới tư duy Khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường, tiếp tục xây dựng các dự án luật, tăng cường công tác giám sát, góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...