Dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ dài, VIC phá đáy kéo tụt chỉ số
Thị trường chỉ còn 2 phiên giao dịch là bước vào kỳ nghỉ dài, khiến lực cầu “mỏng” đi đáng kể. Thanh khoản HoSE và HNX sáng nay giảm hơn 28% so với sáng hôm qua khi nhà đầu tư ngại mua hơn. Biến động mạnh của cổ phiếu Vinfast trên sàn Nasdaq đã tác động mạnh đến VIC, cổ phiếu này giảm 3,79% khiến VN-Index “bốc hơi” 2,4 điểm...
Thị trường chỉ còn 2 phiên giao dịch là bước vào kỳ nghỉ dài, khiến lực cầu “mỏng” đi đáng kể. Thanh khoản HoSE và HNX sáng nay giảm hơn 28% so với sáng hôm qua khi nhà đầu tư ngại mua hơn. Biến động mạnh của cổ phiếu Vinfast trên sàn Nasdaq đã tác động mạnh đến VIC, cổ phiếu này giảm 3,79% khiến VN-Index “bốc hơi” 2,4 điểm.
Kể từ khi VFS lên sàn Nasdaq, VIC đã đạt đỉnh và lao dốc giảm. Tuy nhiên trong 7 phiên gần nhất giá VIC chưa lần nào thấp hơn mức 62.500 đồng, sáng nay phá đáy rơi xuống 61.000 đồng. Không chỉ vậy, hôm nào VIC cũng thanh khoản cả ngàn tỷ đồng, sáng nay cũng giao dịch 911 tỷ và gần như chắc chắn sẽ có thêm phiên ngàn tỷ đồng nữa. Từ ngưỡng đỉnh 76.600 đồng ngày 17/8 đến sáng nay còn 61.000 đồng, nghĩa là VIC đã bốc hơi 20,4% giá trị.
Ảnh hưởng của VIC sáng nay là khá lớn mặc dù nhiều blue-chips khác cũng tăng. VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,2% với 16 mã tăng/12 mã giảm. Tiếc là những cổ phiếu tăng tốt nhất của nhóm này không phải các trụ vốn hóa lớn nhất: FPT tăng 3,31%, TPB tăng 1,84%, MWG tăng 1,51%. Các mã vốn hóa lớn hơn đang đỡ chỉ số là VCB tăng 0,9%, BID tăng 1,31%, CTG tăng 1,44%. Nhóm trụ còn lại như HPG, VHM, GAS, VPB nằm trong số giảm.
VN-Index đạt đỉnh khoảng 10h54, tăng 5,5 điểm so với tham chiếu nhưng đến cuối phiên chỉ còn +1,23 điểm tương đương 0,1%. VIC trượt dốc sâu hơn trong thời gian này dĩ nhiên là tác động chính. Tuy vậy, khá nhiều cổ phiếu blue-chips cũng trượt giá theo. Thậm chí ngay cả cổ phiếu mạnh nhất là FPT, cũng đã tụt mất 1,53% so với giá đỉnh; CTG tụt 1,25%, MWG tụt 1,47%...
Mặc dù vậy thị trường chủ yếu bị tác động dưới góc độ chỉ số, còn cổ phiếu vẫn đang khá tích cực. Độ rộng của VN-Index cân bằng với 225 mã tăng/231 mã giảm. Phía tăng có 62 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 26,9% tổng khớp sàn HoSE và phía giảm có 56 mã rơi trên 1% thanh khoản chiếm 22,9%. Như vậy phần lớn thị trường vẫn trong trạng thái dao động hẹp về giá và thanh khoản trung bình.
Dòng tiền đã có tín hiệu sụt giảm mạnh sáng nay khi nhà đầu tư hạn chế mua bán ở những ngày sát kỳ nghỉ dài, bao gồm 2 phiên giao dịch. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX giảm hơn 28% so với sáng hôm qua, đạt 9.240 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm hơn 27% với 8.556 tỷ đồng. Trên sàn HoSE có 21 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì một nửa là giảm giá, còn lại tăng. Điều này cũng phù hợp với trạng thái giằng co đang diễn ra.
Đà tăng tốt nhất trong bối cảnh thanh khoản yếu vẫn dồn vào nhóm cổ phiếu tầm trung. Tất cả các mã đang tăng trên 2% đều thuộc nhóm cổ phiếu này và cũng chỉ có 3 mã khớp quá 100 tỷ đồng là FPT, CII và TCH. Các mã giao dịch loanh quanh 50 tỷ đồng thanh khoản trở xuống khá nổi bật là PTB, ANV, IDI, FRT, VSC, CTR, VHC, GMD…
Nhóm giảm giá hầu hết là thanh khoản kém, cho thấy không có hoạt động bán tháo rõ ràng nào. Giao dịch lớn chỉ dồn vào vài mã như VIC giảm 3,79% với 911 tỷ đồng; NVL giảm 1,72% với 631,6 tỷ; VIX giảm 1,33% với 191,5 tỷ. Còn lại lác đác vài cổ phiếu giao dịch trung bình như CTD, LDG, AAA, SCR, GIL, SBT, BCM.
Hiện khả năng duy trì độ rộng ở mức phân hóa cân bằng là tín hiệu tốt nhất, vì chri số VN-Index có nguy cơ bị các cổ phiếu lớn tác động. VIC giảm là điều dễ thấy, nhưng hiện tượng tụt giá ở nhóm blue-chips còn lại cũng có khả năng cộng hưởng thêm. Thống kê trong rổ VN30 cũng đã có 13 cổ phiếu tụt giá hơn 1% so với đỉnh sáng nay.
Khối ngoại cũng giao dịch cầm chừng với mức giải ngân thấp nhất kể từ đầu tuần, đạt 410 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên khối này có buổi sáng mua ròng đầu tiên sau 8 phiên bán ròng liên tục, dù giá trị ròng chỉ là 91,3 tỷ. KDC được mua tốt nhất với 53,5 tỷ đồng ròng, KBC +31,8 tỷ, VCB +22,9 tỷ, VRE +21 tỷ. Phía bán lớn nhất là SSI cũng chỉ -19 tỷ đồng.