Đồng USD bắt đầu đuối sức vì chính sách của ông Trump

Bình Minh
Chia sẻ

Các “giao dịch Trump” (Trump trade) đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn đã không mang lại kết quả như mong đợi trong năm nay...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân là do giới đầu tư bắt đầu có cái nhìn bi quan hơn về tác động kinh tế tiềm ẩn từ cuộc chiến tranh thương mại mà chính quyền Trump 2.0 đã châm ngòi.

Từ đầu tháng 1 tới nay, tỷ giá đồng USD đã trượt giảm và giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, dẫn tới lợi suất giảm. Điều này trái ngược với kỳ vọng phổ biến trước đó của giới đầu tư rằng kế hoạch đánh thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu và giảm thuế trong nước của ông Trump sẽ giữ lạm phát và lãi suất ở Mỹ ở mức cao, kéo theo tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng.

“GIAO DỊCH TRUMP” KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG

“Nếu nhìn kỹ vào những gì đã diễn ra từ đầu năm đến nay, nhiều giao dịch Trump đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Điều này khiến nhiều người đánh giá lại về các giao dịch này”, ông Jerry Minier - trưởng bộ phân giao dịch tiền tệ G10 tại ngân hàng Barclays - nhận định với tờ báo Financial Times.

Giới đầu tư đã rút lui khỏi các giao dịch Trump được ưa chuộng trước đó, một phần vì các kế hoạch thuế quan mà ông Trump đưa ra nhìn chung không mạnh như lo ngại ban đầu. Nhưng nhiều người cũng lo lắng rằng tình trạng bất ổn mà cuộc chiến thương mại mới này mang lại có thể gây tổn hại đến niềm tin trong nền kinh tế Mỹ, làm mất đi hiệu ứng lạc quan mà thị trường có được sau khi Tổng thống Trump thắng cử vào tháng 11.

Ông Minier cho biết “menu trung bình” của các giao dịch phổ biến - như đặt cược vào sự mất giá của đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ - đã không mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong năm nay. “Đồng USD cần tìm lý do để tiếp tục tăng giá. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, lý do để USD tăng giá đã không còn”, ông Minier nói thêm.

Cuối năm ngoái, thị trường cho rằng các chính sách lớn của ông Trump như áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế trong nước, trục xuất người nhập cư trái phép và nới lỏng các quy chế giám sát sẽ gây hiệu ứng lạm phát, dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ít dư địa hơn để cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, thuế quan được dự báo sẽ gây suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế các đối tác thương mại của Mỹ. Đây là những nguyên nhân chính đẩy đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng tiền của Mỹ so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng 8% trong thời gian từ cuối tháng 9 cho đến hết năm.

Theo một phân tích dựa trên dữ liệu về các hợp đồng tiền tệ tương lai của sàn giao dịch CME, tháng 12/2024 đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2017 các nhà quản lý tài sản chuyển sang vị thế đầu cơ giá lên (long) ròng đối với đồng USD.

Nhưng từ đầu năm đến nay, Dollar Index đã giảm 0,4%.

Diễn biến chỉ số Dollar Index 6 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến chỉ số Dollar Index 6 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.

Kỳ vọng về lạm phát cao hơn cũng đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm lên mức 4,8% trong tháng 1 - mức cao nhất kể từ cuối năm 2023. Nhưng lợi suất của kỳ hạn này hiện đã giảm về mức 4,54% do mối quan tâm của thị trường đã dịch chuyển từ lạm phát sang rủi ro nền kinh tế Mỹ có thể suy yếu vì các chính sách của tân Tổng thống.

TRIỂN VỌNG TỶ GIÁ CỦA CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI TỐT LÊN

“Đang có một mối lo ngại đã ăn sâu là tăng trưởng có thể sẽ giảm tốc”, nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của công ty đầu tư Apollo nhận định, cho rằng chiến tranh thương mại “có khả năng gây ra một số tác động đối với tăng trưởng kinh tế”.

Theo chiến lược gia trưởng David Kelly của công ty JPMorgan Asset Management, thị trường trái phiếu đang “bị kẹt giữa mối lo lạm phát có thể tăng lên một chút do chiến tranh thương mại, và mối lo rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ hoặc kinh tế toàn cầu có thể chậm lại”.

Trong tháng 2 này, ông Trump bất ngờ hoãn kế hoạch áp thuế quan lên hàng hóa Mexico và Canada vào phút chót, cho hai nước này thời gian 30 ngày để đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn triển khai việc áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đánh thuế quan 25% đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Từng được dự báo sẽ là một “nạn nhân” của chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng và một đồng USD tăng giá mạnh, các thị trường mới nổi đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn kỳ vọng trong những tuần gần đây. Năm ngoái, đồng tiền của nhiều nền kinh tế trong số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Từ khi ông Trump nhậm chức tới nay, đồng peso của Chile đã tăng giá hơn 3%, đồng peso của Colombai và đồng real của Brazil đều tăng hơn 6% so với đồng USD.

Các chiến lược gia của ngân hàng Bank of America đang trở nên lạc quan hơn về các thị trường mới nổi, tin rằng đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD đã bị kéo căng quá mức. Hiện tại, tỷ giá hối đoái thực của USD đang ở mức cao nhất kể từ năm 1985.

“Việc này có liên quan tới sự đặt cược thái quá, và nhiều mối lo về thuế quan đã được phản ánh vào tỷ giá USD”, ông David Hauner - trưởng chiến lược trái phiếu thị trường mới nổi toàn cầu của Bank of America - nhận xét. “Không phải là câu chuyện thuế quan không thể trở nên tồi tệ hơn, mà ở thời điểm hiện tại, xét tới sự tiến lui trong mấy tuần vừa rồi, một lượng lớn rủi ro đã được phản ánh vào giá đồng USD”.

Các nhà đầu tư nói rằng ngân hàng trung ương các thị trường mới nổi có dư địa để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sau khi đã tăng mạnh lãi suất trong những năm gần đây để chống lạm phát. Tuần trước, Mexico, Cộng hòa Czech và Ấn Độ đều đã cắt giảm lãi suất.

Lãi suất thực - là lãi suất danh nghĩa sau khi trừ đi lạm phát - ở phần lớn các nền kinh tế đang phát triển đang cao hơn so với ở Mỹ. Chênh lệch này khiến cho việc đi vay USD và đầu tư vào các thị trường mới nổi có khả năng mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

“Các đồng tiền của thị trường mới nổi đã trở nên rất, rất rẻ, ngay cả khi đồng USD không còn giảm giá nữa mà chỉ ổn định ở mức hiện tại”, một nhà quản lý quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi phát biểu, sau khi có chuyến công tác tới Brazil để tìm kiếm những tài sản giá hời.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con