Dòng vốn ngoại chảy từ Mỹ vào các thị trường Đông Nam Á ngoại trừ Việt Nam, chuyên gia nói gì?
Trong ba tuần gần đây, dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường này khá tốt, đặc biệt là Ấn Độ (ngoài ASEAN), Thái Lan (trong ASEAN). Tại Việt Nam khối ngoại cũng chỉ manh nha đảo chiều mua ròng từ đầu tuần...
Khối ngoại bất ngờ quay trở lại bán ròng mạnh trong vòng một tuần vừa qua sau một thời gian giảm bán vào thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.122,2 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 850.9 tỷ đồng trong tuần giao dịch vừa qua, tuần trước đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 795 tỷ đồng và tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 589 tỷ đồng.
Tại các ETF, trong tuần từ 9/9 – 13/9/2024, giá trị rút ròng qua các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam tăng trở lại, đạt 347 tỷ đồng tằn mạnh 39,7% so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp dòng tiền ghi nhận rút ròng với giá trị lũy kế đạt gần 2,6 tỷ đồng.
Tháng 9/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng hơn 595 tỷ đồng. Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 20,3 nghìn tỷ đồng, gấp 12,7 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 30,8% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Các quỹ ETF nước ngoài bị rút ròng hơn 278 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (-207,3 tỷ đồng). Tương tự, quỹ VanEck Vietnam ETF và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng lần lượt hơn 107 tỷ đồng và 67 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ Global X MSCI Vietnam ETF lại hút ròng hơn 104 tỷ đồng. Cập nhật danh mục mới nhất ngày 13/9 của quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF, quỹ này đã bán hết các cổ phiếu trong danh mục, chỉ giữ lại tiền mặt (đồng VNĐ).
Có động thái rút ròng trong dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở quỹ do Dragon Capital quản lý. Trong tuần 9/9 - 13/9, các NĐT bán ròng 500 nghìn chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VN30 ETF, tương ứng gần 11,8 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư lại mua ròng 400 nghìn chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VNDiamond ETF, tương ứng với hơn 13 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng bán ròng của khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường - VPBankS cho rằng áp lực bán ròng gia tăng trở lại, ngược với diễn biến khu vực Asean nói chung.
Theo lý giải của ông Sơn, khi kỳ vọng Fed giảm lãi suất, dòng vốn ngoại bắt đầu chạy từ Mỹ và các thị trường tăng mạnh vào nhiều thị trường Ấn Độ và ASEAN. Trong ba tuần gần đây, dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường này khá tốt, đặc biệt là Ấn Độ (ngoài ASEAN), Thái Lan (trong ASEAN). Tuy nhiên, họ đang bán ròng ở Việt Nam, có thể là do đà bán ròng của các quỹ ETF.
Những thị trường tăng nóng như Mỹ, châu Âu có nhịp điều chỉnh nhưng đà phục hồi tuần qua giúp lấy lại mức giảm trước đó và quay lại vùng đỉnh. Tuy nhiên, sự phân hóa rõ ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Fed hạ lãi suất nhưng giới đầu tư có nghi ngại nhất định. Dữ liệu quá khứ cho thấy thị trường chứng khoán có biến động khó lường vào thời điểm Fed hạ lãi suất. Trong 3 đến 6 tháng sau khi hạ lãi suất, kể cả có suy thoái hay không suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán có một khoảng gap down (điều chỉnh giảm) rồi sau mới đi lên.
Đây có lẽ là sự dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán tăng nóng sang thị trường chứng khoán tiềm năng hơn như Đông Nam Á trong tuần qua. Dòng vốn dần rút khỏi thị trường Nhật Bản, Đài Loan nên có dấu hiệu yếu hơn so với thị trường nhận được dòng vốn mới trong thời điểm hiện tại.
"Dòng vốn có xu hướng rút khỏi Nhật Bản – nơi thị trường chứng khoán tăng tốt sang một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Phillippines đã thu hút dòng vốn tốt thời gian qua. Thái Lan bị bán ròng liên tục nhưng đã quay trở lại mua ròng gần đây.
Nhìn chung, dòng vốn đang trở lại ASEAN. Tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai gần, có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Việt Nam có nhiều câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như nâng hạng, nền kinh tế tăng trưởng cao hướng đến xuất khẩu", ông Sơn kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu và phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta nói rằng bản thân quỹ lớn như Dragon Capital cũng đặt câu hỏi tại sao khối ngoại lại bán nhiều như vậy.
"Chúng ta có nhiều lý do để nói rằng nhà đầu tư nước ngoài bán. Nếu nhìn câu chuyện xa hơn của thị trường là nhà đầu tư nước ngoài đang cần sự thay đổi trong cơ chế chính sách để quay trở lại với quy mô lớn hơn. Bao nhiêu năm nay vẫn vướng tỷ lệ sở hữu, trong khi mong chờ mãi không nâng hạng được. Bản chất họ cũng cần một câu chuyện thực sự đủ hấp dẫn để quay lại thị trường như nâng hạng, do đó cần phải đẩy nhanh hơn tiến trình để giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài", ông Minh khẳng định.