Dow Jones “bay” hơn 500 điểm, chứng khoán Mỹ hoàn tất tháng giảm mạnh nhất 1,5 năm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, hoàn tất tháng tồi tệ nhất trong 18 tháng. Một lần nữa, tháng 9 cho thấy thường là một tháng u ám ở Phố Wall...
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Năm (30/9), chỉ số Dow Jones sụt 546,8 điểm, tương đương giảm 1,59%, còn 33.843,92 điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc 1,19%, còn 4.307,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,4%, còn 14.448,58 điểm.
Phiên giảm này khép lại một tháng nhiều biến động của chứng khoán Mỹ, khi phủ bóng lên thị trường là hàng loạt mối lo gồm lợi suất trái phiếu leo thang, lạm phát nóng, cuộc khủng hoảng nợ ở công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande, và cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ.
Tính cả tháng, S&P 500 mất 4,8% điểm số, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch và gây nên một cuộc bán tháo trên thị trường toàn cầu. Tháng 9 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong năm nay S&P 500 đóng cửa ở mức thấp hơn trên 5% so với mức kỷ lục.
Nasdaq sụt 5,3%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất từ tháng 3/3030. Dow Jones trượt 4,3%, chốt tháng tồi tệ nhất của chỉ số trong năm 2021.
“Tháng 9 này đã không tránh khỏi quy luật thường thấy và gây tổn thất cho danh mục đầu tư cổ phiếu, nhưng không hẳn là quá tệ”, chuyên gia Ed Yardeni của Yardeni Research nhận định. “Có nhiều mối lo về tiền lương tăng, giá năng lượng tăng, chí phí vận tải tăng. Tất cả sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm nay và thậm chí sang năm 2022. Đó sẽ là những vấn đề cần theo dõi. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan”.
Những mối lo về lạm phát và chuỗi cung ứng tiếp tục đeo bám thị trường trong phiên này, đặc biệt là các cổ phiếu bán lẻ. Cổ phiếu của Bed Bath & Beyond giảm 22,1% sau khi công ty cho biết các vấn đề như vậy sẽ ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận.
Dù tăng mạnh trong những tuần gần đây, cổ phiếu năng lượng và ngân hàng cũng lùi bước trong phiên cuối của tháng 9. Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 1,7%, trong khi cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 1,3%.
Cổ phiếu công nghệ khởi sắc phiên này, nhưng Nasdaq vẫn không tránh khỏi phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Gần đây, cổ phiếu công nghệ chịu sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh.
Lợi suất có lúc vượt 1,6% trong phiên ngày thứ Tư trước khi giảm nhẹ phiên này. Lợi suất tăng do mối lo lạm phát và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ sớm bắt đầu thắt lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch.
“Chúng ta đang nói về một dịp đáng sợ của thị trường trong năm, đó là tháng 9 và tháng 10. Dự báo của thị trường là cú giảm 5% từ đỉnh… Nhưng chúng tôi không cho là sẽ có một đợt điều chỉnh”, chuyên gia David Bianco của DWS Group. Thị trường điều chỉnh là khi chỉ số giảm từ 10% trở lên từ mức đỉnh gần nhất.
Do giảm mạnh trong tháng 9, chứng khoán Mỹ có thành quả kém hấp dẫn trong quý 3. Dow Jones mất 1,9% điểm số trong quý này và Nasdaq trượt 0,4%. S&P 500 tăng không đáng kể trong quý, nhưng đã tăng gần 15% kể từ đầu năm.
Tháng 10 “có tiếng” là thường xảy ra những đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng nhìn chung mở ra một giai đoạn tốt hơn cho giá cổ phiếu. Theo cuốn Stock Trader’s Almanac, S&P 500 tăng bình quân 0,8% trong tháng 10 hàng năm.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 30/9 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở nước này là 362.000, cao hơn con số dự báo 335.000. Bản báo cáo việc làm tháng 10 – một căn cứ quan trọng cho những bước đi chính sách tiếp theo của Fed – sẽ công bố vào ngày 8/10.