Dự báo xuất khẩu phốt pho vàng Việt Nam tăng 3,3% nhờ mảng xe điện
Statista ước tính pin LFP chiếm 48% sản lượng pin ion toàn cầu trong năm 2024 (2023: 30%), giúp sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam tăng 3,3%, trong khi đơn giá xuất khẩu tăng 6% đạt 96 triệu đồng/tấn...
Phốt pho vàng thực chất là phốt pho tinh khiết (màu trắng) có lẫn tạp chất. Phốt pho vàng (P4) được khai thác từ quặng Apatit (Ca3(PO4)2), là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất Axit Phosphoric (H3PO4) – vốn được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và pin xe điện. Chất bán dẫn đóng vai trò như chất dẫn điện và như một chất cách điện tùy nhiệt độ, và được ứng dụng trong sản xuất thiết bị điện tử.
Pin LFP (LiFePO4) được xem như dòng pin Lithium – ion an toàn nhất hiện nay, với khả năng chịu nhiệt cao và ít bị bắt lửa. Ngoài ra dòng pin này có tuổi thọ cao hơn các loại pin ion khác, tốc độ sạc nhanh hơn và chi phí sản xuất thấp nhờ sử dụng những nguyên liệu phổ biến hơn các dòng pin ion khác.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, chính sách hạn chế xuất khẩu phốt pho vàng tại Trung Quốc gián tiếp giúp Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu.
Nhằm gìn giữ tài nguyên và giảm thiểu các vấn đề về tai nạn lao động liên quan đến việc khai thác khoáng sản, kể từ năm 2012 Trung Quốc bắt đầu tăng thuế xuất khẩu lên 9 loại khoáng sản, trong đó phốt pho vàng chịu thuế xuất khẩu 20%.
Đến năm 2018 Trung Quốc dừng hoàn toàn việc xuất khẩu và phốt pho sản xuất chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đây cũng là năm ngành sản xuất chất bán dẫn bùng nổ tại Trung Quốc, ước tính doanh thu từ sản xuất chất bán dẫn giúp Trung Quốc thu về 150 tỷ USD trong năm 2018.
Từ cuối 2021 đến 2022 do thời tiết khô hạn và giá than tăng cao làm tăng chi phí cho các nhà máy điện tại Trung Quốc. Để ưu tiên điện cho sinh hoạt, Trung Quốc buộc phải cắt giảm một số ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất phốt pho vàng và gián tiếp gây ra sự thiếu hụt axit phosphoric (Trung Quốc là nước xuất khẩu H3PO4 lớn thứ 2 thế giới).
Một số nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu phốt pho từ Việt Nam để sản xuất axit phosphoric điện tử phục vụ nhu cầu sản xuất chất bán dẫn. Giá xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam đạt đỉnh trong 2022, tương đương 131 triệu đồng/tấn (+26% YoY).
Sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam trong 2024 tăng trưởng nhờ thị phần pin LFP mở rộng. Ước tính chi phí sản xuất pin LFP khoảng 100 USD/kWh, thấp hơn 32% giá thành các dòng pin ion truyền thống sử dụng coban và niken. Thị trường pin LFP toàn cầu đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2022, và ước tính tăng thêm 20% trong năm 2023. Hiện nay 2 trong 4 dòng xe hơi điện của Tesla (Model 3 và Model Y) đang sử dụng pin LFP.
Giá xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam trong năm 2023 đạt 91 triệu đồng/tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cao hơn 50% so với mức trung bình trong giai đoạn 2015 – 2020.
Thị trường xe điện thế giới được dự báo tăng trưởng 9,82% đạt 623 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Trung Quốc đóng góp gần 50% thị phần. Statista ước tính pin LFP chiếm 48% sản lượng pin ion toàn cầu trong năm 2024 (2023: 30%), giúp sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam tăng 3,3%, trong khi đơn giá xuất khẩu tăng 6% đạt 96 triệu đồng/tấn.
Hiện nay đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất mà chỉ dừng lại ở việc khai thác và xuất thô phốt pho vàng, hoặc tinh chế thành H3PO4 thực phẩm, trong khi sản xuất H3PO4 điện tử đòi hỏi dây chuyền công nghệ tiên tiến hơn và chất lượng của quặng apatit đầu vào.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất bán dẫn sang Việt Nam của các tập đoàn lớn như NVIDIA là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất P4 tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành, vì khi đó việc đầu tư công nghệ sản xuất các chế phẩm từ phốt pho vàng sẽ được đẩy mạnh.