Du lịch nông thôn đang được phát triển theo hướng nào?
Không khói bụi, ồn ào và được trải nghiệm các công việc nhà nông lạ lẫm là lý do khiến du lịch nông thôn được nhiều du khách lựa chọn…
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên những hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hiện đang hấp dẫn nhiều du khách.
MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN
Tại Hà Nội, Trang trại Đồng Quê, huyện Ba Vì, là một địa chỉ du lịch nông thôn quen thuộc của nhiều học sinh. Đến với trang trại, các em được trải nghiệm không gian làng Việt xưa với ngôi nhà mái ngói, cái cuốc, cái cày, cối xay gạo. Được làm quen với nghề nông khi tự tay bắt cá, trồng rau, thu hoạch nông sản, chế biến món ăn dân dã...
Để tăng sức hấp dẫn du khách, chủ Trang trại Đồng Quê đã thiết kế một chương trình trải nghiệm rất thú vị, phối hợp với cư dân bản địa đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường tại các bản làng lân cận.
“Em đã có dịp cùng bố mẹ du lịch đến trang trại này. Việc tham gia các hoạt động đồng quê vô cùng thú vị”, Nguyễn Khánh Chi, học sinh lớp 11 Trường trung học phổ thông Xuân Phương, Hà Nội nhận xét.
Cũng như trang trại Đồng Quê, Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000m2 tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, cũng là một địa chỉ không mấy xa lạ của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa, du khách được tham gia các trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng..., trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua...
Ngoài hai mô hình trên còn có nhiều mô hình tương tự như tại Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất... Các mô hình du lịch nông thôn này đều có chung một đặc điểm là dựa trên những lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và các làng nông nghiệp lâu đời. Đó là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch nông nghiệp.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề xuất tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch trang trại. Trong đó cần sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan khác.
Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho rằng, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong xu thế chung phát triển của nhiều địa phương đang triển khai và đã cho thấy những hiệu quả trong thúc đẩy phát triển nông thôn, chuyển biến trong đời sống nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn tới, để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, cần có các định hướng giải pháp phát triển đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững và có trách nhiệm. Các mô hình phát triển du lịch nông thôn phải phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.