Ernst & Young Global: Giá trị thị trường InsurTech Đông Nam Á tăng gấp 4 lần vào năm 2023
Ernst & Young Global (EY) cho biết trong báo cáo gần đây rằng bất chấp tình hình bất ổn địa chính trị, môi trường lạm phát và lãi suất cao, lĩnh vực InsurTech Đông Nam Á vẫn chứng kiến mức tăng trưởng về giá trị giao dịch vượt bậc vào năm 2023…
Theo báo cáo có tựa đề “Bối cảnh InsurTech tại ASEAN” do EY và công ty dịch vụ tài chính Singlife thực hiện, lĩnh vực InsurTech Đông Nam Á chứng kiến giá trị giao dịch đạt 2,35 tỷ USD từ 27 giao dịch vào năm 2023, tăng so với mức 538 triệu USD từ 39 giao dịch vào năm 2022, Technode Global đưa tin.
Con số ghi nhận chỉ thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 2,36 tỷ USD từ 32 giao dịch vào năm 2020.
Đáng chú ý là có hai thương vụ lớn diễn ra trong năm 2023: Sumitomo Life mua lại Singlife với mức định giá 3,5 tỷ USD và vòng gọi vốn Series B trị giá 246 triệu USD của Bolttech.
Trong khi đó, phần lớn công ty giai đoạn đầu mang nhiều rủi ro hơn nên chỉ có hai thỏa thuận Series A được công khai, huy động tổng cộng 2,3 triệu USD.
THỊ TRƯỜNG KHỞI SẮC
Các công ty InsurTech có trụ sở chính tại Singapore chiếm ưu thế về số lượng giao dịch và nguồn tài trợ (khoảng 85% giá trị giao dịch), do quốc gia này sở hữu môi trường kinh doanh thuận lợi, được mệnh danh là trung tâm FinTech.
Một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng giành được nhiều sự chú ý hơn trong thị trường đầu tư InsurTech. Điều này không có gì ngạc nhiên khi xét đến đặc điểm nhân khẩu học và bối cảnh phát triển tại địa phương.
“Quá trình huy động vốn InsurTech trong khoảng thời gian ngắn hạn đến trung hạn khả năng cao sẽ hướng đến các công ty đầu ngành, đã chứng minh được về chiến lược tăng trưởng bền vững cũng như khả năng sinh lời”, ông Rahul Vardhan, Đối tác cấp cao về Chiến lược và Giao dịch tại Ernst & Young Solutions LLP, cho biết. "Sự hiện diện trên nhiều khu vực cũng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư".
Tuy nhiên, ông Vardhan cũng lưu ý rằng kế hoạch mở rộng quy mô là nỗ lực đòi hỏi nhiều vốn, yêu cầu công ty phải hiểu rõ bộ quy định tại địa phương để vượt qua rào cản pháp lý một cách suôn sẻ.
HÌNH THỨC THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ ĐA DẠNG
Báo cáo cũng tiết lộ, năm 2023, số lượng công ty thoái vốn tăng lên và các lựa chọn thoái vốn cũng mở rộng hơn, trong đó phát hành công khai lần đầu (IPO) hay mua lại và sáp nhập (M&A) nổi lên như những chiến lược khả thi.
Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào các công ty InsurTech Đông Nam Á sẽ cách mạng hóa ngành thông qua chuyển đổi số.
Kỳ vọng thể hiện rõ qua quan hệ đối tác chiến lược và khoản đầu tư của nhiều kỳ lân công nghệ với nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống, tận dụng nền tảng InsurTech để nâng cao dịch vụ sản phẩm cũng như trải nghiệm khách hàng.
Ví dụ điển hình bao gồm khoản đầu tư của Tokio Marine vào Bolttech nhằm cung cấp dòng sản phẩm bảo hiểm tích hợp hay khoản đầu tư của FWD Insurance đối với công ty phân tích rủi ro mạng tập trung vào giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo Protos Labs (như một phần chương trình tăng tốc khởi nghiệp Startup Studio thuộc FWD).
Những xu hướng này chứng minh bối cảnh mở rộng cơ sở nhà đầu tư của các công ty InsurTech, báo hiệu thị trường đang trưởng thành với tính thanh khoản ngày càng tăng.
“Bối cảnh đầu tư và trọng tâm của các công ty InsurTech đang thay đổi rõ rệt”, ông Vardhan nhận định. “Mặc dù sức hấp dẫn của tăng trưởng doanh thu nhanh chóng và thu hút khách hàng đã từng là động lực thúc đẩy đầu tư trong quá khứ, nhưng hiện nay các công ty InsurTech phải cân bằng giữa khả năng mở rộng quy mô với sự thận trọng về mặt tài chính nhằm phát triển bền vững”.
Ông Vardhan nói thêm: “Cho dù thông qua tăng trưởng hữu cơ, quan hệ đối tác chiến lược hay M&A, các công ty InsurTech luôn phải điều hướng hoạt động với sự cẩn trọng trong quá trình tuân thủ, nghiên cứu thật kỹ mức độ sẵn sàng của thị trường và hành vi người tiêu dùng địa phương”.
LIÊN TỤC ĐỔI MỚI NHẰM ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Báo cáo nhấn mạnh các công ty InsurTech phải liên tục đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của người dùng; thúc đẩy đơn giản hóa quy trình mua bảo hiểm và dịch vụ sau bán hàng; đồng thời hỗ trợ các mô hình phân phối mới giúp tăng trưởng.
Với đối tượng khách hàng tiềm năng đa dạng, doanh nghiệp InsurTech có thể tận dụng công nghệ tiên tiến, cho phép nền tảng kỹ thuật số trở thành “điểm trải nghiệm”, nơi các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng như bảo hiểm được tích hợp thông qua dữ liệu mở và thương mại điện tử.
Doanh nghiệp cũng cần cân nhắc đến năng lực trước và sau bán hàng, chẳng hạn như hình thức định giá linh hoạt hay quy trình khiếu nại, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, phân phối cũng là trọng tâm chính của ngành khi nhiều công ty chủ chốt áp dụng đa dạng hình thức phân phối kỹ thuật số khác nhau nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng.
Chuyên gia Vardhan kết luận: “Với mục đích tối ưu hóa năng lực và nâng cao giá trị đề xuất cho khách hàng, thị trường InsurTech đang nỗ lực đổi mới trong ba khía cạnh, cụ thể là: công nghệ - chẳng hạn như sử dụng AI để định giá linh hoạt và quản lý khiếu nại; sản phẩm - với nhiều gói dịch vụ mới phục vụ phân khúc khách hàng chưa được khai thác như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hay người lao động tự do; phân phối - phát triển hệ thống thông qua bảo hiểm nhúng (bảo hiểm bán kèm) và nhãn hiệu riêng”.