EU phản công chính sách thuế quan của ông Trump, Big Tech Mỹ trở thành "nạn nhân"

Thanh Minh
Chia sẻ

Chính sách của EU với các Big Tech Mỹ được xem là lá bài chiến lược của Brussels. Các chuyên gia cho rằng, các công ty công nghệ sẽ là những đối tượng bị thiệt hại đầu tiên...

Tùy thuộc vào chiến lược của ông Trump, EC có hai hướng chính để tấn công vào dịch vụ của Mỹ.
Tùy thuộc vào chiến lược của ông Trump, EC có hai hướng chính để tấn công vào dịch vụ của Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét mở một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp đặt cái gọi là "thuế quan đối ứng" lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Động thái này đánh dấu bước leo thang lớn nhất trong cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Cho đến nay, Brussels – trụ sở của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU – đã tuân thủ các quy tắc truyền thống trong chiến tranh thương mại, đáp trả các mức thuế của ông Trump. Tuy nhiên, với việc Mỹ đe dọa trừng phạt thêm EU không chỉ vì các mức thuế hiện tại mà còn vì những gì Washington coi là rào cản phi thuế quan – như quy định công nghệ của EU – Brussels đang chuẩn bị nâng cấp phản ứng của mình.

EU: "CHÚNG TÔI SẼ ĐÀM PHÁN TỪ VỊ THẾ MẠNH"

Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngay trước thông báo thuế quan lớn của Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán này từ một vị thế mạnh. Châu Âu nắm trong tay nhiều lá bài, từ thương mại, công nghệ đến quy mô thị trường".

Về mặt công nghệ, theo trang Politico, các gã khổng lồ công nghệ như mạng xã hội X của Elon Musk, Google hay Amazon – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - đang bị nhắm tới. Một quan chức cấp cao của EU tiết lộ với báo giới hồi giữa tháng 3: "Chúng tôi chắc chắn không loại trừ một phản ứng lớn hơn, tốt hơn và thậm chí sáng tạo hơn thông qua các dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ”.

Tobias Gehrke, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: "Các gã khổng lồ công nghệ, ngành tài chính và dược phẩm của Mỹ có gốc rễ sâu ở châu Âu. Nếu bị đẩy quá xa, Brussels có thể siết chặt các biện pháp: áp thuế số lên Silicon Valley, tăng cường quy định với Wall Street, hoặc đánh thuế xuất khẩu dược phẩm Mỹ"

Tùy thuộc vào chiến lược của ông Trump, EC có hai hướng chính để tấn công vào dịch vụ của Mỹ. Thứ nhất, tận dụng các quy định hiện có trong 5 năm qua để siết chặt quản lý Big Tech, đánh thuế các ngân hàng lớn của Mỹ, hoặc làm chậm việc cấp phép kinh doanh tại EU.

Yves Melin, luật sư sáng lập tại Cassidy Levy Kent, nhận xét: "Khi nhìn vào cách các công ty công nghệ lớn của Mỹ định vị trong vài tháng qua – đều thân cận với ông Trump – người ta sẽ có cảm giác họ đang vận động Nhà Trắng chống lại châu Âu. Thực tế, các công ty công nghệ rất dễ bị tổn thương trước các biện pháp trả đũa".

CHÍNH SÁCH CỦA EU VỚI BIG TECH MỸ: LÁ BÀI CHIẾN LƯỢC TRONG TAY BRUSSELS

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, các công ty công nghệ lớn của Mỹ – thường được gọi là Big Tech – như Google, Apple, Meta, Amazon và X, đã trở thành mục tiêu tiềm năng trong chiến lược đối phó của EU. Trong thập kỷ qua, EU đã xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ để kiềm chế sức mạnh của những gã khổng lồ này, vốn bị cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị, vi phạm quyền riêng tư và né tránh thuế tại thị trường 450 triệu dân của khối.

Một trong những công cụ quan trọng nhất là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), có hiệu lực từ năm 2023, nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường số. DMA yêu cầu các "người gác cổng" – những công ty công nghệ lớn có ảnh hưởng đáng kể – phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, như không ưu ái dịch vụ của chính họ trên nền tảng, chia sẻ dữ liệu với đối thủ cạnh tranh, và cho phép người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các dịch vụ. EC dự kiến quyết định trong tuần này liệu Apple và Meta có vi phạm DMA hay không, với mức phạt tiềm năng lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ – một con số có thể lên đến hàng chục tỷ USD.

Bên cạnh đó, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), cũng được thông qua vào năm 2023, đặt ra các nghĩa vụ về quản lý nội dung và bảo vệ người dùng, buộc các nền tảng như X phải nhanh chóng xóa bỏ thông tin sai lệch hoặc nội dung bất hợp pháp. Nếu không tuân thủ, các công ty này có thể bị phạt nặng hoặc thậm chí bị cấm hoạt động tại EU. Với X của Elon Musk – vốn đã gây tranh cãi vì chính sách kiểm duyệt lỏng lẻo – đây là một mối đe dọa thực sự nếu Brussels quyết định "rút phích cắm".

Ngoài ra, EU đã triển khai các biện pháp thuế số để nhắm vào doanh thu của Big Tech. Từ năm 2018, Brussels đã đề xuất thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) áp dụng cho các công ty có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro, với mục tiêu buộc Google, Amazon và Facebook nộp thuế tại nơi họ tạo ra lợi nhuận, thay vì chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế như Ireland hay Luxembourg. Dù vấp phải phản đối từ Mỹ – vốn coi đây là hành động phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ – một số nước như Pháp đã tự áp dụng thuế số quốc gia, gây áp lực ngược lại lên Washington.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện tại, các công cụ này không chỉ là biện pháp bảo vệ thị trường mà còn trở thành vũ khí chiến lược. Nếu ông Trump đẩy mạnh thuế quan, EU có thể tăng cường thực thi DMA và DSA, áp thuế số cao hơn, hoặc thậm chí hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của Big Tech tại châu Âu. Chẳng hạn, việc cấm Google sử dụng bằng sáng chế tại EU hoặc buộc Amazon mở rộng quyền truy cập dữ liệu cho các đối thủ châu Âu có thể làm rung chuyển mô hình kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, Brussels cũng đối mặt với rủi ro. Arnoud Willems, chuyên gia thương mại quốc tế tại King & Spalding, cảnh báo: "Vấn đề với lĩnh vực kỹ thuật số là nếu EU hành động, áp lực từ Mỹ lên khung quy định sẽ càng gia tăng”. Mỹ có thể đáp trả bằng cách nhắm vào các công ty công nghệ châu Âu như Spotify hay SAP, hoặc gây sức ép để EU nới lỏng quy định. Hơn nữa, Big Tech có sức ảnh hưởng lớn tại Mỹ. Các công cụ khác bao gồm đánh thuế giao dịch tài chính và dòng dữ liệu số.

"VŨ KHÍ HẠT NHÂN" THƯƠNG MẠI CỦA EU

Trong trường hợp xấu nhất, EU có thể tung ra "bazooka" thương mại – Công cụ Chống Ép buộc (Anti-Coercion Instrument). Đúng như tên gọi, công cụ này cho phép phản ứng toàn diện, bao gồm nhắm vào dịch vụ, nếu Brussels kết luận hành động của Mỹ là quá đáng.

Trong vòng 6 tháng, EC có thể cấm hoạt động của X (công ty của tỷ phú Elon Musk) tại EU, hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, hoặc cấm họ đầu tư vào khối. Chuyên gia Melin dự đoán: "Trong một vụ chống ép buộc, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngành công nghệ Mỹ là nạn nhân đầu tiên".

Dù EC là bên quyết định sử dụng "tùy chọn hạt nhân" này, họ cần sự ủng hộ của ít nhất 15 trong 27 nước thành viên để xác định cách thức và thời điểm tấn công. Nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết: "Nhiều quốc gia thành viên không muốn leo thang bằng cách kích hoạt vụ chống ép buộc".

Doanh nghiệp châu Âu cũng lo ngại về hướng đi này. Dù sẵn sàng leo thang, Brussels vẫn hy vọng đưa Washington vào bàn đàm phán. Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič mong muốn đạt được một "bản thỏa thuận" với Mỹ để thiết lập khung đàm phán khi vòng thuế quan mới có hiệu lực. Các nhượng bộ có thể bao gồm giảm thuế, đầu tư vào các công ty quốc phòng Mỹ, tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, hoặc nới lỏng một số quy định.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con