Facebook - Mặt trận mới trong cuộc đối đầu của Chính phủ Mỹ với giới công nghệ
Sau Google, Facebook trở thành “ông lớn” công nghệ thứ hai bị Chính phủ Mỹ đâm đơn kiện trong năm nay
Hàng chục bang của Mỹ và Chính phủ liên bang của nước này ngày 9/10 đâm đơn kiện Facebook, cáo buộc mạng xã hội lớn nhất thế giới lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường số và có những hành vi chống cạnh tranh.
Một nội dung trong đơn kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) là đề nghị tòa án ra phán quyết yêu cầu Facebook bán các công ty con gồm Instagram và WhatsApp, đồng nghĩa với việc chia tách công ty Facebook hiện nay. Đơn kiện của liên minh các tiểu bang cũng kêu gọi Facebook phải chia tách nếu cần thiết - hãng CNN đưa tin.
THÁCH THỨC CHƯA CÓ TIỀN LỆ CỦA FACEBOOK
"Kết nối trên mạng xã hội là một phần quan trọng trong đời sống của hàng triệu người Mỹ", ông Ian Conner, Giám đốc Cục Cạnh tranh thuộc FTC, nói trong một tuyên bố. "Hành vi của Facebook nhằm bảo vệ và duy trì thế độc quyền đã tước đi của người tiêu dùng những lợi ích của cạnh tranh. Mục tiêu của chúng tôi là làm cho Facebook phải từ bỏ hành vi chống cạnh tranh và thiết lập lại cạnh tranh, để sáng tạo và tự do cạnh tranh có thể nở rộ".
Được chuẩn bị trong nhiều tháng, hai vụ kiện song song đánh dấu một thách thức chưa từng có tiền lệ đối với Facebook, một trong những công ty hùng mạnh nhất ở Thung lũng Silicon. Đơn kiện nhằm vào việc Facebook mua và nắm quyền kiểm soát Instagram và WhatsApp, hai dịch vụ quan trọng trong "đế chế" truyền thông xã hội mà Mark Zuckerberg gây dựng. Facebook mua Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD, và mua WhatsApp hai năm sau đó với giá 19 tỷ USD.
14 tháng trước, Tổng chưởng lý bang New York, bà Letitia James, tuyên bố đang dẫn đầu một nhóm gồm tổng chưởng lý các bang tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Facebook. Hơn 40 tổng chưởng lý đã ký vào đơn kiện Facebook ngày 9/12. Về phần mình, FTC đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền khác nhằm vào Facebook từ tháng 6/2019.
"Trong suốt gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng thế thống trị và sức mạnh độc quyền để nghiền nát những đối thủ nhỏ hơn và cản trở cạnh tranh", bà James phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/12. "Thông qua sử dụng kho dữ liệu khổng lồ và nguồn tiền dồi dào của mình, Facebook đã đè bẹp hoặc cản trở những gì mà công ty này cho là nguy cơ tiềm tàng".
Đơn kiện của các tiểu bang đề nghị tòa án buộc Facebook phải báo cáo với giới chức các bang về bất kỳ vụ mua lại nào trong tương lai có trị giá từ 10 triệu USD trở lên.
"Người dân và doanh nghiệp chọn dùng sử dụng các dịch vụ miễn phí và quảng cáo trên Facebook không vì họ buộc phải chọn, mà vì các ứng dụng và dịch vụ của chúng tôi mang lại giá trị tốt nhất", luật sư trưởng của Facebook, bà Jennifer Newstead, nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi sẽ bảo vệ mạnh mẽ khả năng của mọi người về tiếp tục có được lựa chọn như vậy".
Bà Newstead cũng nói rằng chính FTC đã cho phép Facebook mua lại Instagram và WhatsApp, giờ lại đòi Facebook tách riêng hai công ty này. Ông William Kovacic, một cựu Chủ tịch của FTC, nói các cơ quan bảo vệ cạnh tranh có quyền thay đổi quan điểm trên cơ sở những bằng chứng mới.
"Không có điều luật nào của Mỹ nói rằng việc một cơ quan giám sát không phản đối một thỏa thuận có nghĩa là thỏa thuận đó sẽ không bị xem xét lại trong tương lai", ông Kovacic nói.
CUỘC ĐỐI ĐẦU CỦA WASHINGTON VỚI GIỚI CÔNG NGHỆ
Sự giám sát đối với Facebook, công ty hiện có hơn 3 tỷ người dùng trên các ứng dụng, bắt nguồn chủ yếu từ việc công ty này thâu tóm những công ty khác để đạt tới quy mô khổng lồ như vậy. Các chuyên gia luật pháp và nhiều nghị sỹ Mỹ từ lâu đã cho rằng Tổng giám đốc (CEO) Zuckerberg của Facebook muốn "tiêu diệt" các nguy cơ cạnh tranh bằng cách "nuốt gọn" đối thủ tiềm năng.
Sự cảnh giác ở Washington đối với Facebook đã gia tăng trong mấy năm qua, và công ty này đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một "trận thư hùng".
Facebook đã tích hợp chặt chẽ các ứng dụng về mặt kỹ thuật - biện pháp mà các chuyên gia cho là sẽ cản trở việc chia tách công ty. Ngoài ra, Facebook thuê nhiều luật sư giàu kinh nghiệm về chống độc quyền và các vụ kiện trong lĩnh vực này. Facebook còn tạo dựng một hình ảnh có lợi cho mình, rằng công ty này sẵn sàng tuân thủ các quy định, nhưng nếu nhà chức trách "mạnh tay" với Facebook thì đó có thể là cơ hội cho những quốc gia khác như Trung Quốc tăng lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ.
Vụ kiện nhằm vào Facebook đưa công ty này trở thành "đại gia" công nghệ toàn cầu thứ hai trong năm nay bị Chính phủ Mỹ đưa ra tòa. Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và 11 tiểu bang Mỹ đâm đơn kiện Google, với cáo buộc cản trở cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Trước đó, lần gần nhất Chính phủ Mỹ nhằm vào một hãng công nghệ lớn là vụ kiện chống độc quyền đối với Facebook hồi cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000.
Facebook và Google không phải là những công ty công nghệ duy nhất làm giới chức Mỹ cảm thấy lo ngại hiện nay. Các cơ quan chức năng nước này ngày càng để ý kỹ lưỡng đến lĩnh vực công nghệ nhằm phát hiện những hành vi chống cạnh tranh. Sự giám sát đó phủ khắp từ hệ sinh thái iOS của Aple cho tới cách đối xử của Amazon đối với các nhà bán hàng độc lập trên nền tảng thương mại điện tử Amazon.
Như những gì vụ kiện Microsoft đã cho thấy, các vụ kiện chống độc quyền có thể kéo dài nhiều năm, nhưng rốt cục sẽ có ảnh hưởng không hề nhỏ. Giới chuyên gia cho rằng vụ kiện Microsoft - cuối cùng kết thúc bằng sự thương lượng giữa công ty này và Chính phủ Mỹ - đã mở đường cho sự nổi lên của Google.
Tương tự, vụ kiện Facebook có thể đi đến kết cục Facebook phải chia tách hoặc bị áp những giới hạn hành vi, dẫn tới ảnh hưởng sâu rộng mà kết quả có thể sẽ là sự nổi lên của những startup mới và những sản phẩm công nghệ mới.