Giá điện tăng: Sự phát triển của ô tô điện trên thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?
Giá điện tăng chóng mặt đang làm tăng chi phí sử dụng xe điện ở châu Âu và nhiều nước trên thế giới, trong một số trường hợp việc tăng giá điện sẽ khiến việc vận hành xe điện trở nên đắt đỏ hơn so với các mẫu xe chạy bằng khí đốt. Đó là một sự thay đổi có thể ảnh hưởng quá trình chuyển đổi sang điện khí hoá. Tại Việt Nam, vừa qua EVN cũng đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023.
Sự ảnh hưởng của giá điện tăng
Giá điện tăng là thực tế mà các nhà kinh tế ở châu Âu dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm, phần nào ảnh hưởng tới người tiêu dùng đang dự tính chuyển sang xe điện, loại xe được cho có thể rẻ hơn nhiều so với động cơ đốt trong.
Diễn ra ngay khi một số chính phủ đang loại bỏ trợ cấp cho người mua xe điện, giá điện tăng có thể làm chậm sự tăng trưởng doanh số bán xe điện, đe dọa các mục tiêu phát thải khí nhà kính của khu vực và khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu khó thu hồi chi phí cao cho quá trình chuyển đổi điện của họ.
Tại Đức, Tesla đã tăng giá bộ siêu nạp nhiều lần trong năm 2022, lần gần đây nhất là 0,71 Euro vào tháng 9/2022 trước khi giảm xuống một chút, theo báo cáo từ các chủ sở hữu Tesla trên các diễn đàn trong ngành.
Với mức giá đó, những người điều khiển Model 3 của Tesla, loại xe chạy hoàn toàn bằng điện hiệu quả nhất trong hướng dẫn sử dụng nhiên liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường trong hạng mục xe hạng trung, sẽ phải trả 18,46 Euro tại một trạm siêu nạp Tesla ở châu Âu cho một lần sạc đủ để lái xe 160km.
Để so sánh, người lái xe ở Đức sẽ trả 18,31 Euro tiền xăng để lái một chiếc Honda Civic 4 cửa, mẫu xe có động cơ đốt trong tương đương trong bảng xếp hạng của EPA.
Sự thay đổi này đặc biệt đáng chú ý ở Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, nơi điện gia dụng có giá trung bình 0,43 EUR/kWh trong tháng 12/2022. Điều này vượt xa Pháp, nơi người tiêu dùng trả 0,21 Euro cho mỗi kWh trong nửa đầu năm, nhưng xếp sau Đan Mạch, nơi 1 kWh có giá 0,46 Euro.
Các nhà phân tích cho biết khoảng 80% quá trình sạc EV diễn ra tại nhà hoặc tại nơi làm việc, vì vậy nếu một phương tiện điện chỉ được sử dụng gần nhà thì nó thường là lựa chọn ít tốn kém nhất. Nhưng một khi phương tiện được sử dụng cho các chuyến đi đường dài hơn, người lái xe có nhiều khả năng sẽ sử dụng các trạm sạc nhanh hơn vì các tùy chọn khác sẽ mất quá nhiều thời gian để sạc pin.
Sạc một chiếc Tesla bằng nguồn điện xoay chiều 120V - nguồn điện lấy từ ổ cắm trên tường tiêu chuẩn của Mỹ - sẽ mất nhiều ngày. Ở châu Âu, 230V là tiêu chuẩn AC, theo hiệp hội công nghiệp điện tử ZVEI của Đức. Bộ sạc châu Âu được lắp đặt ở các góc phố, tại siêu thị, nơi làm việc và trong nhà để xe tại nhà có thể sạc pin Tesla cạn kiệt qua đêm.
Việc tăng giá điện cũng như chi phí và tính sẵn có của nguyên liệu thô, tình trạng thiếu phụ tùng thường xuyên và thu nhập khả dụng giảm trên diện rộng đang có tác động đáng kể đến việc sản xuất và bán ô tô.
Nếu xu hướng này tiếp tục, các chuyên gia cho rằng cũng có lo ngại rằng sẽ có tác động dây chuyền đối với các nhà đầu tư, những người sẽ thiếu động lực xây dựng các cơ sở sạc điện, khiến ô tô điện trở nên kém hấp dẫn hơn bởi vì chúng sẽ không thực tế hơn để sử dụng.
Cho đến gần đây, quyền sở hữu ô tô điện đã trở nên hấp dẫn khi chi phí xăng dầu tăng. Nhưng kể từ khi giá điện tăng gần đây, ở Đức khoảng một phần ba so với một năm trước, chênh lệch giá đã giảm.
Các chủ sở hữu ô tô điện, dù sạc ô tô tại nhà hay thông qua hợp đồng với các nhà điều hành sạc, đều thấy giá tăng từ 10% trở lên. Dự kiến giá sẽ tăng hơn nữa, do thực tế là giá điện có liên quan đến giá khí đốt, vốn đã trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết kể từ khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức thời gian qua.
Allego, một trong những nhà điều hành trạm sạc điện lớn nhất của Đức, đã tăng giá vào đầu tháng này từ 43 xu một kWh lên 47 xu. Sạc nhanh, thông qua một dòng điện liên tục, đã tăng từ 65 xu lên 70 xu một kWh trong khi sạc nhanh nhất đã tăng từ 68 xu lên 75 xu một kWh.
Theo nhà kinh tế ngành ô tô Stefan Bratzel, sự tăng giá điện là mối đe dọa trước mắt đối với ngành.
Ông nói: “Sự bùng nổ giá điện có thể trở thành mối nguy hiểm cấp tính đối với quá trình chuyển đổi phương tiện và chúng ta cần hết sức cẩn thận về điều đó. Nếu ô tô điện trở nên đắt đỏ hơn để sử dụng, thì sự gia tăng của phương tiện di chuyển bằng điện có nguy cơ sụp đổ, bởi vì hầu như không ai mua ô tô điện”. Ông Stefan Bratzel và những người ủng hộ ô tô điện khác hiện đang kêu gọi chính phủ Đức đảm bảo rằng giá điện vẫn thấp hơn giá xăng dầu, điều mà họ cho là rất quan trọng đối với tương lai của ô tô điện.
Helena Wisbert, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô có trụ sở tại Duisburg, đã viết trong một bài bình luận gần đây cho nhật báo kinh tế Handelsblatt: “Xe điện đang mất dần sức hấp dẫn”.
Các khoản trợ cấp của nhà nước đối với ô tô điện sẽ giảm một nửa xuống còn 4.500 Euro (3.900 bảng Anh) từ năm 2023, trong khi những người mua xe plug-in hybrid, hiện đang nhận khoản thanh toán 6.750 Euro, sẽ không còn được hỗ trợ. Tổng số tiền có sẵn sẽ được giới hạn ở mức 2,5 tỷ Euro, đủ để trả tiền hỗ trợ cho chỉ 400.000 ô tô điện – ít hơn 1% số ô tô trên đường của Đức.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết họ không tin rằng một cuộc cải cách của EU nằm trong kế hoạch tách giá điện ra khỏi giá khí đốt sẽ diễn ra đủ nhanh.
Giá điện tăng và bài toán phát triển xe điện tại Việt Nam
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Tập đoàn này đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Trước đó vào ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.
Với mức giá điện mới của EVN, các chuyên gia cho rằng việc phát triển xe điện của Việt Nam sẽ bị tác động không nhỏ trước thực tế hiện nay sự bùng nổ của xe điện mới đang ở bước “khởi động”.
Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (tiết kiệm nhiên liệu, hybrid, sử dụng nhiên liệu sinh học, chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”. Mặc dù vậy, đến nay, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết năm 2021 có thêm hơn 1.000 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Thực tế, nếu như xe xăng, giá xăng thay đổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ thì những người dùng xe điện cũng sẽ quan tâm tới giá điện tăng hay giảm là điều tất yếu. Cách đây chưa lâu, nhận thấy mối tương quan giữa giá điện và sự phát triển của xe điện, góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho biết phương tiện giao thông chạy bằng điện đang được Nhà nước khuyến khích, nhờ giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên hiện nay, các chủ phương tiện vẫn phải trả giá điện tương đối cao để có thể sạc pin.
Theo VCCI, nếu sạc ở hộ gia đình thường phải trả tiền điện với giá khoảng 3.100 - 3.200 đồng/kWh; sạc tại các điểm dịch vụ cũng thường thu ở mức giá hơn 3.100 đồng/kWh do giá mua điện đầu vào ở mức cao.
Cũng theo VCCI, qua tìm hiểu tại các quốc gia phát triển cho thấy, một số công ty điện lực đã bắt đầu cung cấp các gói giá dành riêng cho việc sạc ô tô điện. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án, đưa riêng một nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông. Cơ quan này góp ý đề nghị ưu tiên mức giá điện thấp hơn cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông nhằm khuyến khích loại phương tiện này.
Bên cạnh ưu tiên mức giá điện thấp hơn, VCCI cho rằng giá điện của nhóm khách hàng này có thể được chia theo giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình. Biện pháp này nhằm khuyến khích người dân điều chỉnh giờ sạc pin vào những giờ thấp điểm.
VCCI đề xuất áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) cho nhóm khách hàng sử dụng xe điện. Biện pháp này vừa giúp hạn chế những khách hàng yêu cầu mắc đường dây cho xe điện nhưng không sử dụng, đồng thời có tác dụng tuyên truyền, phổ biến để người dân làm quen với hình thức giá điện 2 thành phần.
Cơ quan này cho rằng việc áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) là hướng đi đúng đắn và cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, dự thảo cũng chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn về cơ chế giá điện 2 thành phần.
Hiện Chính phủ đã có ưu đãi lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin là 0% trong 3 năm, kể từ 1/3/2022; trong 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1 - 3%, có hiệu lực đến hết tháng 2/2027 được xem là sự hỗ trợ cần thiết để thị trường xe điện phát triển.
Tại thị trường Việt Nam đang khá sôi động với nhiều mẫu xe điện liên tục được giới thiệu. Bên cạnh VinFast với các mẫu xe VFe34, VF 8, VF 5 Plus nhận được nhiều sự quan tâm, thời gian qua thị trường ô tô điện Việt Nam đã đón nhận TC Group giới thiệu xe điện IONIQ 5 và Mercedes-Benz giới thiệu xe điện EQS, Kia cũng giới thiệu mẫu xe điện EV6. Tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 hàng loạt hãng xe lần đầu tung ra sản phẩm xe điện như Audi giới thiệu SUV Audi e-tron quattro, Mercedes-Benz ra mắt sedan EQS, Toyota giới thiệu SUV cỡ nhỏ bZ4X, MG Việt Nam ra mắt 2 mẫu xe điện là MG Marvel R và MG4 hoàn toàn mới…
Nhiều chuyên gia nhận định, trước bối cảnh giá nhiên liệu hoá thạch có nhiều bất ổn, trong khi giá điện nếu bình ổn được sẽ rất có lợi cho thị trường xe ô tô điện, cũng là động lực cho xe điện dễ được phổ cập và trở thành lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu giá điện liên tục tăng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ có tâm lý e ngại vì so sánh chi phí, sự tiện lợi mà họ phải đối mặt khi sử dụng giữa xe điện và xe xăng. Không chỉ thế, người tiêu dùng khi tìm đến xe điện còn cân nhắc đến những hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như vẫn còn rất ít, các giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghệp xe điện chưa được xây dựng. Không chỉ thế, xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng vẫn thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường.