Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc chóng mặt, trong nước mất 300.000 đồng/lượng
Mặc biến động mạnh của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng bán lẻ trong nước tuần này giữ tương đối ổn định quanh 67 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới sụt gần 40 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/4) tại thị trường New York do đồng USD tăng giá mạnh trở lại sau khi một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất thêm để chống lạm phát. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (15/4) giảm ít hơn giá quốc tế, khiến chênh lệch với giá thế giới tăng mạnh.
Lúc đóng cửa phiên Mỹ, giá vàng giao ngay tụt 36,1 USD/oz, tương đương giảm gần 1,8%, còn 2.005 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương gần 57,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Giá vàng miếng trong nước giảm phổ biến giảm 300.000 đồng/lượng, giữ mức 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,7 triệu đồng/lượng và 56,7 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,3 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 400.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 9,9 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 9,1 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Vietcombank báo giá USD chốt tuần này ở mức 23.280 đồng (mua vào) và 23.620 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Sáu.
Sau mấy phiên tăng mạnh liên tiếp trong tuần này, một phần nhờ đồng USD trượt giá xuống mức thấp nhất 1 năm sau loạt dữ liệu yếu hơn dự báo của kinh tế Mỹ, giá vàng đã chịu áp lực giảm trở lại khi đồng bạc xanh hồi phục trong phiên ngày thứ Sáu. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trong phiên này cũng gây sức ép giảm lên giá vàng.
Tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng việc Fed đạt bước tiến chậm chạp trong cuộc chiến chống lạm phát đồng nghĩa lãi suất cần phải tăng cao hơn. Sau phát biểu này của ông Waller, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 80,2% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, từ mức 70% vào đầu tuần này.
Vàng là tài sản không mang lãi suất nên thường gặp bất lợi trong môi trường lãi suất tăng. Ngoài ra, do vàng được định giá bằng USD nên đồng bạc xanh tăng giá cũng không có lợi cho giá vàng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 11,6 điểm cơ bản, đạt mức 4,093%. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 6,2 điểm cơ bản, đạt 3,513%. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng gần 0,6%, chốt tuần ở mức gần 101,6 điểm, nhưng giảm 0,5% trong tuần này.
Chiến lược gia trưởng Daniel Pavilonis của RJO Futures nói rằng thị trường kim loại quý có thể suy yếu trong khoảng thời gian hơn 2 tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo của Fed vào ngày 2-3/5. “Giá vàng sẽ ổn định quanh ngưỡng 2.000 USD/oz”, ông Pavilonis nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác nói trên vọng của giá vàng vẫn tích cực vì khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng lớn có thể khiến Fed phải xoay trục chính sách tiền tệ trong năm nay. “Tôi vẫn kỳ vọng giá vàng lập kỷ lục mới và vượt 2.100 USD/oz”, chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định.
Tính cả tuần này, giá vàng thế giới giảm không đáng kể, với mức giảm khoảng 3 USD/oz, dù trong tuần có lúc giá vàng đạt cao nhất trong vòng 1 năm. Mặc biến động mạnh của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng bán lẻ trong nước tuần này giữ tương đối ổn định quanh 67 triệu đồng/lượng.