Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước vọt lên gần 69 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới tăng nhờ đồng USD giảm giá và kỳ vọng về việc Fed đã hoặc sắp có thể dừng tăng lãi suất...
Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại Mỹ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (16/9) tăng mạnh theo, áp sát mốc 69 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,93 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 370.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,73 triệu đồng/lượng và 57,58 triệu đồng/lượng, tăng 190.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,25 triệu đồng/lượng và 68,95 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng 1.925,1 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,7%, chốt ở mức 1.925,1 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương 56,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn trên 12,3 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng nhờ đồng USD giảm giá và kỳ vọng về việc Fed đã hoặc sắp có thể dừng tăng lãi suất.
Đồng USD giảm giá gần 0,1% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức hơn 105,3 điểm, từ mức hơn 105,4 điểm của phiên trước.
Ngày thứ Sáu, Đại học Michigan công bố kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng tháng 9 cho thấy kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát sau thời gian 1 năm nữa đã giảm còn 3,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Kỳ vọng về mức lạm phát sau 5 năm nữa giảm về 2,7%, thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Kỳ vọng lạm phát có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát trên thực tế thông qua chi phối hành vi của người tiêu dùng. Kỳ vọng lạm phát giảm có thể khiến lạm phát trên thực tế giảm và ngược lại, từ đó tác động đến chính sách tiền tệ. Việc kỳ vọng lạm phát giảm xuống giúp giảm bớt khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, và điều này có lợi cho giá vàng - một tài sản không mang lãi suất.
Tuần này có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ được công bố, mang đến cho nhà đầu tư những tín hiệu thiếu đồng nhất. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm nhưng giảm chậm và còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Trong khi đó, nền kinh tế tiếp tục trụ vững sau 11 đợt nâng lãi suất, đẩy cao triển vọng về một cuộc “hạ cánh mềm”.
Trong bối cảnh như vậy, việc xác định đường đi lãi suất của Fed trở nên có phần khó khăn hơn đối với nhà đầu tư. Trước mắt, họ gần như tin chắc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kết thúc vào ngày thứ Tư tuần tới. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 là điều chưa thể được loại trừ.
“Nếu Fed ngả về mềm mỏng trong cuộc họp tuần tới, điều đó sẽ rất có lợi cho giá vàng”, và ngược lại, nếu Fed cứng rắn, giá vàng sẽ tiếp tục đương đầu áp lực giảm - theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco News.
Tuần này, giá vàng thế giới tăng khoảng 0,2%, dù tỷ giá đồng USD duy trì xu hướng tăng với mức tăng của chỉ số Dollar Index cả tuần đạt 0,23% - theo dữ liệu từ FactSet. Trong 1 tháng trở lại đây, đồng USD đã tăng 1,7%.
Trong nước, tỷ giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.055 đồng (mua vào) và 24.425 đồng (bán ra), tăng 165 đồng so với đầu tuần.