Giá xăng ở Mỹ cao nhất 7 năm, khiến ông Biden bị chỉ trích
Việc giá xăng ở Mỹ vượt ngưỡng 3 USD/gallon đã khiến Tổng thống Joe Biden bị chỉ trích. Tuy nhiên, theo trang CNN Business, sự thật là Nhà Trắng không có lỗi gì trong chuyện này và cũng không có nhiều lựa chọn để hạ nhiệt giá xăng...
Số liệu từ AAA cho thấy giá xăng bình quân ở Mỹ vào ngày 9/7 là 3,143 USD/gallon, gần mức cao nhất kể từ năm 2014. Nhu cầu tiêu thụ xăng tăng vọt trong khi nguồn cung eo hẹp được cho là nguyên nhân đẩy giá xăng leo thang.
Nửa đầu năm ngoái, giá xăng ở Mỹ giảm chóng mặt vì hoạt động đi lại ở nước này tê liệt ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Năm nay, chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid và kinh tế phục hồi nhanh khiến hoạt động đi lại ở Mỹ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Bởi vậy, việc giá xăng tăng được xem là một dấu hiệu tích cực.
Vấn đề nằm ở chỗ nguồn cung không tăng kịp với nhu cầu, và chính quyền ông Biden không có khả năng để giải quyết chóng vánh chuyện này. “Hộp công cụ của họ không có nhiều thứ để giải quyết vấn đề giá xăng cao”, nhà phân tích Tom Kloza thuộc Oil Price Information Service phát biểu.
Nguồn tin trong ngành nói rằng cách tốt nhất ông Biden có thể làm là thuyết phục Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh của họ, tức liên minh OPEC+, bơm thêm dầu. Nhà Trắng đang nỗ lực làm việc này bằng cách dàn xếp một sự thương lượng sau khi cuộc họp về nâng sản lượng dầu của OPEC+ sụp đổ vào đầu tuần này do mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
“Cuộc thảo luận đang diễn ra của OPEC+ sẽ là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến giá dầu, và theo đó ảnh hưởng đến giá xăng ở Mỹ”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói ngày 8/7. Bà Psaki cũng nói chính quyền Mỹ đang giữ liên lạc chặt chẽ với Saudi Arabia, UAE và các nước khác trong OPEC+.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm để giữ giá xăng ở mức thấp”, bà Psaki nói.
Theo giới phân tích, chính quyền ông Biden lúc đầu đã rơi vào thế bị động vì cuộc đàm phán trong OPEC+ có ảnh hưởng quá lớn đến giá dầu.
Khi còn cầm quyền, người tiền nhiệm của ông Biden là Tổng thống Donald Trump không ngại dùng những dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter để gây sức ép lên OPEC mỗi khi giá xăng dầu tăng mạnh. Với phong cách của mình, ông Biden tất nhiên không thể làm như vậy.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ đối với cuộc đàm phán của OPEC+, nhất là với UAE, có thể phát huy tác dụng phá vỡ thế bế tắc. Ngoài ra, mặc những bất đồng hiện có với Saudi Arabia, chính quyền ông Biden mới đây đã trải thảm đỏ đón một quan chức cấp cao từ nước này sang thăm.
Tác động lên OPEC+ là cách tốt nhất để hạ nhiệt giá xăng ở Mỹ, vì liên minh này đang giữ vai trò then chốt trong việc quyết định sản lượng dầu của thế giới. Không một ai khác có được sức mạnh tăng sản lượng dầu lớn như OPEC+. Hiện nay, nhóm này đang dư nhiều công suất khai thác dầu do việc hạn chế sản lượng suốt từ mùa xuân năm ngoái.
“Công suất dự trữ duy nhất hiện nay nằm trong OPEC+”, nhà tư vấn địa chính trị Paul Sheldon thuộc S&P Global Platts nhận địch. “Cách dễ nhất để tăng nguồn cung dầu trong ngắn hạn và giảm bớt sức ép tăng giá dầu là thông qua đàm phán với Saudi Arabia, UAE và các đối tác của họ”.
Mỹ cũng là một cường quốc dầu lửa, nhưng nhóm nước chủ chốt trong OPEC có sản lượng dầu lớn gấp đôi của Mỹ. Ngoài ra, so với mức đỉnh trước đại dịch, sản lượng dầu của Mỹ hiện đã giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Một vấn đề nữa là cổ đông của các công ty dầu lửa Mỹ hiện nay muốn các công ty này tập trung vào việc trả cổ tức thay vì đổ tiền vào những dự án khoan tìm dầu tốn kém. Các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ đều phát tín hiệu chưa sẵn sàng tăng sản lượng, ít nhất ở thời điểm này.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu giá xăng tăng cao hơn, chính quyền ông Biden có thể rút xăng dầu từ Dự trữ Xăng dầu chiến lược (SPR). Tuy nhiên, dự trữ này được xây dựng dành cho tình huống khẩn cấp, thay vì trong trường hợp kinh tế bùng nổ như hiện nay.
“Đó sẽ là một hành động khá cực đoan”, ông Jason Bordoff, một cố vấn năng lượng của Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định. “SPR là một tài sản an ninh quốc gia, dành cho những trường hợp khẩn cấp như eo biển Hormuz bị chặn hay nội chiến Libya”.
Nói cách khác, hiện còn quá sớm để nói về xả dầu dự trữ từ SPR. Ngoài ra, Mỹ cũng đã bán bớt dầu từ dự trữ này để có tiền cho các chương trình chi tiêu của Chính phủ liên bang. Theo các đạo luật được thông qua từ năm 2015-2018, khoảng 16 triệu thùng đầu đã được bán ra từ SPR trong thời gian từ tháng 4-6/2021, theo dữ liệu của Platts.
Một biện pháp khác là ông Biden có thể dỡ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, hai nước thành viên OPEC. Nhưng Nhà Trắng không muốn bị xem là nhượng bộ các quốc gia đối thủ này chỉ vì mức giá xăng trên 3 USD/gallon. “Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục không để cho chính sách đối ngoại bị ảnh hưởng bởi giá xăng trong nước”, ông Sheldon nói.