Giải ngân vốn đầu tư công lên cao, gỡ rối tiến độ cho nhiều dự án giao thông quan trọng

Huỳnh Dũng
Chia sẻ

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ giải ngân của bộ đạt 60% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Hàng loạt các dự án quan trọng đều đặt mục tiêu hoàn thành trước tiến độ so với kế hoạch đề ra...

Quang cảnh Hội nghị giao ban công tác quý 3 triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024 của Bộ Giao thông Vận tải.
Quang cảnh Hội nghị giao ban công tác quý 3 triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024 của Bộ Giao thông Vận tải.

Sáng 11/10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị giao ban công tác quý 3, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết trong 9 tháng qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công của bộ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực.

ĐÃ GIẢI NGÂN HƠN 43 NGHÌN TỶ ĐỒNG, ĐẠT 60% KẾ HOẠCH

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải tổng số vốn là 71.288 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9, bộ đã giải ngân 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân của năm 2024 là tương đương. Đồng thời cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước khi chỉ đạt 47%.

Ông Dũng cho biết hiện Bộ Giao thông Vận tải đang báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B và 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả của công tác giải ngân, từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện 4 lần điều hòa với gần 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), giá trị giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2024 tập trung chủ yếu ở các Dự án cao tốc Bắc -Nam với giá trị gần 24.300 tỷ đồng, chiếm 56% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải. Các dự án ODA giải ngân được 2.623 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Các dự án trong nước khác giải ngân gần 13.000 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Báo Giao thông
Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Báo Giao thông

Xét theo nhóm chủ đầu tư, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc Bộ với giá trị giải ngân đạt 41.757 tỷ đồng, đạt hơn 62% kế hoạch năm; chiếm tỷ trọng 97% giá trị đã giải ngân của Bộ. Các chủ đầu tư khác bao gồm 17 Sở Giao thông Vận tải cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã giải ngân 1.430 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm.

Quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", 9 tháng qua, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 8 dự án.

Các dự án được khởi công ở đường bộ gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông; Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B qua tỉnh Lạng Sơn; Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.

Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cũng khởi công Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác 7 dự án.

Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 6 dự án, gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt; Hạng mục "Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch" Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP Hà Nội; Cải tạo, nâng cấp QL2C tỉnh Tuyên Quang; Dự án QL37 Hải Phòng giai đoạn 1; Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa.

01 dự án lĩnh vực hàng hải được hoàn thành là dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các chú đầu tư, nhà thầu triển khai thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ đề ra; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đạt tỷ lệ cao nhất có thể; tiếp tục hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án mới theo kế hoạch.

NHIỀU DỰ ÁN HOÀN THÀNH TRƯỚC TIẾN ĐỘ 

Theo báo cáo từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nguồn vật liệu cho các dự án đã được các địa phương tích cực triển khai. TCụ thể như mỏ cát biển tại tỉnh Sóc Trăng được khai thác vào ngày 30/6/2024, bổ sung thêm nguồn vật liệu cho các dự án khu vực phía Nam. Hiện đa số các dự án triển khai thi công đáp ứng tiến độ đề ra, nhiều dự án đã rà soát và đăng ký rút ngắn tiến độ từ 3-6 tháng.

Cụ thể, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai, có 6 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành vào ngày 30/4/2025, bao gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang.

Ngoài ra, có 3 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành trước tháng 10/2025 bao gồm: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong.

Đặc biệt phải kể đến dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2km tiến độ hoàn thành năm 2026, song nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để hoàn thành trong năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Giao thông
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Giao thông

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các cơ quan đơn vị, trực thuộc, các chủ đầu tư, doanh nghiệp giao thông trong thời gian qua khi đã làm được nhiều việc khó.

Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng. Một số dự án nổi bật được Bộ trưởng nhắc tới là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được nối thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021km.

NHỮNG NHIỆM VỤ CHO NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

Mặc dù có nhiều kết quả tích cực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn nêu lên một số vấn đề còn tồn tại.Theo đó, tiến độ một số dự án giao thông vẫn chậm. Quá trình triển khai đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm soát tải trọng xe, trạm dừng nghỉ không tránh được sự lúng túng, có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Giao nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan phải đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Riêng lĩnh vực giao thông, các đơn vị được yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, phải lưu ý đến cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý, duy tu các tuyến quốc lộ, công trình đường bộ. Đây là nội dung cốt lõi đã được đề cập trong Luật.

Chuẩn bị cho cao điểm đi lại những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ phối hợp dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch tổ chức vận tải, điều hoà các phương thức vận tải, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot, giá vé máy bay, đảm bảo số lượng phương tiện phục vụ, bình ổn giá vé, tạo thuận lợi cho người dân.

Đề cập đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng yêu cầu các Cục chuyên ngành, chủ đầu tư phải tiếp tục siết chặt kỷ luật cương gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong xây dựng dự toán, quản lý chi phí dự án, thanh quyết toán.

Cụ thể, Chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và sự đồng bộ các dự án (ETC, ITS, kiểm soát tải trọng xe). Giao Cục Đường cao tốc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

Giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm phối hợp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Song song đó, là tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Mục tiêu trong năm 2024 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con