Giám đốc điều hành JPMorgan: Khử carbon là xu hướng các doanh nghiệp không thể bỏ qua
Giống như xu hướng chuyển đổi số diễn ra trong vài thập kỷ qua, khử cacbon được dự đoán là một "tiềm năng lớn" đối với thị trường tài chính toàn cầu…
Khử carbon là quá trình giảm lượng carbon thải ra khí quyển với mục tiêu đạt được nền kinh tế tuần hoàn phát thải thấp. Đây cũng là sự thay đổi cấu trúc quan trọng để loại bỏ carbon ra khỏi quá trình sản xuất.
Ông Rama Variankaval, đã có 20 năm làm việc tại JPMorgan Chase. Vào cuối năm 2020, ông được cử sang bộ phận tư vấn tài chính doanh nghiệp với trọng trách dẫn đầu chiến dịch khử carbon của JPMorgan, theo CNBC.
"Tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có một số xu hướng nhất định tác động lớn đến nền kinh tế", ông Variankaval nói với CNBC. Trong suốt nhiều năm làm việc tại JPMorgan, nhiệm vụ của ông Variankaval là xác định, nghiên cứu những xu hướng quan trọng để "kiểm soát tài nguyên, cân bằng tài chính sao cho phù hợp".
Ông tin rằng chiến dịch khử cacbon sẽ thành công vì nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã ban hành bộ quy định giảm phát thải khí nhà kính tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp.
"Không quan trọng bạn là nhà sản xuất, cơ sở bán buôn hay bán lẻ, xu hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh và doanh nghiệp của bạn", Giám đốc Variankaval cho biết.
JPMorgan đặt mục tiêu trở thành tổ chức tín dụng lớn trong khu vực. Ngân hàng cho biết đang lên kế hoạch tài trợ hơn 2,5 nghìn tỷ USD cho các dự án thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thiểu phát thải xuyên suốt thập kỷ tới.
XU HƯỚNG BẮT ĐẦU VÀO NĂM 2020
Xu hướng “đầu tư xanh” ngày càng phát triển mạnh mẽ, với việc nhà đầu tư chú trọng vào yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) mỗi khi xem xét đầu tư vào các công ty.
Thỏa thuận khí hậu Paris, được 196 bên thông qua tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Paris năm 2015, là "một chất xúc tác khá quan trọng", ông Variankaval nhận định.
Việc các ông lớn bắt đầu ưu tiên khử carbon đã tác động đến hành vi của những cơ quan kiểm soát tài chính. Vào năm 2020, JPMorgan đã chính thức khai trương Trung tâm Chuyển đổi Carbon chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện mục tiêu của ngân hàng này về khí hậu và phát triển bền vững.
Mặt khác, dự luật về khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden được ký vào tháng 8/2022 tiếp tục thiết lập xu hướng, đẩy nhanh dòng vốn vào các công nghệ khử carbon và nguồn nhiên liệu carbon thấp như năng lượng mặt trời, gió, hydro xanh, nhiên liệu hàng không bền vững, thu hồi carbon và một số lĩnh vực khác.
Theo Giám đốc Variankaval, IRA (tài khoản hưu trí cá nhân) đã giảm chi phí vốn ròng cho các công ty công nghệ khử cacbon tới 5%. Điều này giúp các công ty tập hợp nguồn vốn hoặc tài trợ dễ dàng hơn. Theo thống kê của JPMorgan, các khoản đầu tư trị giá hơn 100 tỷ USD đã được công bố năm ngoái có liên kết trực tiếp tới IRA. Hiểu nôm na, tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) là một công cụ đầu tư được ưu đãi về thuế mà các cá nhân sử dụng để dành tiền tiết kiệm hưu trí.
Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 50 tỷ USD đầu tư vào các công ty công nghệ khí hậu thông qua nguồn vốn tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Variankaval khẳng định. "Chúng tôi thấy một lượng lớn vốn hình thành xung quanh chủ đề khí hậu, hoặc xung quanh chủ đề khử carbon. Chúng tôi muốn trở thành ngân hàng đi đầu trong dịch vụ hỗ trợ khách hàng, cho dù là khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân".
Ngoài thực trạng toàn thế giới tập trung vào quá trình khử carbon, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tính dễ bị tổn thương và tầm quan trọng của việc tập trung vào khả năng phục hồi trong quản lý chuỗi cung ứng.
CÒN QUÁ SỚM ĐỂ XÁC ĐỊNH NGƯỜI THẮNG - KẺ THUA
Ngoài việc giúp khách hàng thích ứng với nền kinh tế khử carbon, JPMorgan cũng nhận thấy cơ hội trở thành ngân hàng phù hợp cho lĩnh vực đang phát triển và có khả năng tăng trưởng cao đối với các công ty công nghệ khí hậu. Nhưng quá trình đồng hành không diễn ra một sớm một chiều.
"Theo cách truyền thống, rất nhiều nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, sau đó thử nghiệm trong môi trường thương mại và tìm ra những ưu điểm, nhược điểm. Đó có thể là quá trình kéo dài nhiều thập kỷ", Giám đốc Variankaval nói với CNBC.
Phải mất hai thập kỷ để Internet đi từ giai đoạn phát minh đến sử dụng rộng rãi và trong trường hợp này "công nghệ khí hậu phải trải qua quá trình dài để được áp dụng thực tế".
"Bạn không thể thực sự chọn lựa ai đang đi đúng hướng - ai đang đầu tư sai lầm vào thời điểm này. Hiện tại còn quá sớm", ông nói.