Goldman Sachs thu hồi tiền thưởng của các giám đốc cấp cao vì bê bối 1MDB

Phương Linh
Chia sẻ

Bên cạnh việc thu hồi tiền thưởng của các cựu giám đốc, Goldman Sachs cũng sẽ giảm tiền thưởng với các giám đốc đương nhiệm vì bê bối 1MDB

Liên quan tới đại án tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia Malaysia 1MDB, ngân hàng Goldman Sachs ngày 22/10 thừa nhận đã vi phạm luật chống tham nhũng Mỹ và chấp thuận nộp nhiều tỷ USD cho nhà chức trách trên toàn cầu, đồng thời thu hồi tiền thưởng đã trả cho các giám đốc cấp cao. 

Đây là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử Phố Wall, theo Wall Street Journal.

THU HỒI VÀ GIẢM THƯỞNG CỦA LOẠT GIÁM ĐỐC CẤP CAO

Goldman Sachs thu hồi thưởng của giám đốc cấp cao vì đại án tham nhũng 1MDB - Ảnh 1.

David M.Solomon, CEO kiêm Chủ tịch của Goldman Sachs - Ảnh: Wall Street Journal.

Cụ thể, Goldman Sachs thu hồi tổng cộng 67 triệu USD tiền thưởng năm 2011 của cựu CEO (Lloyd Blankfein), cựu giám đốc hoạt động, cựu giám đốc tài chính và hai cựu phó chủ tịch. Ngoài ra, ngân hàng sẽ cắt giảm tổng cộng 31 triệu USD tiền thưởng của CEO hiện tại (David Solomon), giám đốc hoạt động (John Waldron), giám đốc tài chính (Stephen Scherr) và CEO phụ trách quốc tế (Richard Gnodde) trong năm 2020.

"Việc này hoàn toàn hợp lý trong tình hình hiện tại", ban giám đốc Goldman Sachs cho biết trong thông báo về quyết định đối với các giám đốc, cựu giám đốc. "Đây là lời nhắc nhở quan trọng rằng tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho hành động của nhau và cho thất bại của tập thể".

"Dù không ai trong số các giám đốc cấp cao hiện tại và trước đây có liên quan hay biết về vai trò của Goldman Sachs trong bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào khi ngân hàng  đứng ra giao dịch trái phiếu của 1MDB, ban giám đốc vẫn quyết định có biện pháp xử lý đối với họ do những phát hiện trong cuộc điều tra của nhà chức trách cũng như số tiền ngân hàng phải bỏ ra để dàn xếp vụ việc", ban giám đốc của ngân hàng Mỹ cho biết.

Bình luận về quyết định này, cựu CEO Blankfein đồng tình rằng lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra dưới sự quản lý của mình. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ đòi lại 76 triệu USD tiền thưởng đã trả cho các cựu nhân viên có liên quan tới hành vi phạm pháp tại 1MDB, gồm Tim Leissner, Ng Chong Hwa và Andrea Vella.

Theo đó, tổng số tiền thưởng thu hồi và cắt giảm đối với các giám đốc, cựu giám đốc và cựu nhân viên của Goldman Sachs là 174 triệu USD.

Bê bối 1MDB đã phủ bóng lên nhiệm kỳ của đương kim CEO David Solomon, người đảm nhận cương vị này từ năm 2018 và muốn thúc đẩy ngân hàng đi theo một hướng tìm kiếm lợi nhuận mới.

HƠN 5 TỶ USD DÀN XẾP VỤ BÊ BỐI

Ngày 22/10, Goldman Sachs đồng ý nộp 2,8 tỷ USD cho chính phủ Mỹ để khép lại cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về vai trò của ngân hàng này trong bê bối tham nhũng tại 1MDB. Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một ngân hàng Mỹ.

Trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ), các công tố viên cáo buộc một mạng lưới quốc tế - trong đó có hai cựu nhân viên Goldman Sachs - đã cùng nhau biển thủ số tiền nhiều tỷ USD từ 1MDB. Giới chức Mỹ cũng cho rằng Goldman Sachs phớt lờ các dấu hiệu gian lận nhằm mục đích thu được nhiều tiền phí nhất có thể.

Goldman Sachs thu hồi thưởng của giám đốc cấp cao vì đại án tham nhũng 1MDB - Ảnh 2.

Goldman Sachs phải chi hơn 5 tỷ USD để dàn xếp bê bối liên quan quỹ 1MDB - Ảnh: NYT.

Vụ 1MDB là một trong những "vết nhơ" lớn nhất trong lịch sử 151 năm của Goldman Sachs. Tổng cộng, bê bối này khiến Goldman Sachs mất hơn 5 tỷ USD để giải quyết (gồm tiền phạt cho nhà chức trách Mỹ, Anh, Hồng Kông và Malaysia), tương đương khoảng 2/3 lợi nhuận trong 1 năm của ngân hàng này. 

Tuy nhiên, thỏa thuận nộp phạt giúp Goldman Sachs tránh được những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà nhà chức trách Mỹ có thể sử dụng - điều có thể khiến hoạt động của ngân hàng này bị tê liệt và càng làm tổn hại thêm tới danh tiếng mà ngân hàng dày công xây đắp vài năm trở lại đây. 

Quỹ 1MDB được thành lập cách đây 1 thập kỷ với hàng loạt kế hoạch quy mô lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế Malaysia. Tuy nhiên, theo các công tố viên, thay vì thực hiện đúng sứ mệnh của mình, quỹ này trở thành "cỗ máy rút tiền" cho các quan chức tham nhũng của Malaysia, ngân hàng đầu tư và một loạt nhân vật có máu mặt liên quan.

Vào năm 2012 và 2013, Goldman Sachs đã giúp 1MDB phát hành 6,5 tỷ USD trái phiếu. Phần lớn số tiền này đã biến mất và được cho là bị biển thủ bởi nhà tài chính Jho Low, một cố vấn của 1MDB, và cộng sự. Cơ quan điều tra Malaysia phát hiện số tiền gần 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cựu Thủ tướng Najib Razak - người sau đó bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong vụ bê bối.

Tuy nhiên, các thỏa thuận nộp phạt trên vẫn chưa chấm dứt chuỗi rắc rối của Goldman Sachs. Đầu tuần này, Quỹ Đầu tư Xăng dầu Quốc tế (IPIC) của Abu Dhabi đâm đơn kiện chống lại Goldman nhằm thu hồi khoản lỗ do các thỏa thuận nộp phạt của ngân hàng này liên quan tới 1MDB. Quỹ này cáo buộc ngân hàng Mỹ cấu kết với một người không rõ danh tính tại Malaysia để hối lộ 2 cựu giám đốc của IPIC để thúc đẩy các hợp đồng nhằm thu thêm phí. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con