Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu các loại khoáng sản đất hiếm, tác động mạnh đến ngành bán dẫn
Trung Quốc vừa tạm dừng xuất khẩu hàng loạt khoáng sản và nam châm đất hiếm, đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong các lĩnh vực then chốt như ô tô, hàng không vũ trụ, bán dẫn và quốc phòng...

Theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ ngày 4/4/2025, nước này đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với sáu loại đất hiếm nặng – loại khoáng sản chỉ được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc – cùng với nam châm đất hiếm, chiếm 90% sản lượng toàn cầu. Các loại đất hiếm và nam châm này hiện chỉ được xuất khẩu nếu có giấy phép đặc biệt.
Tuy nhiên, hệ thống cấp phép vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, khiến các lô hàng bị đình trệ tại nhiều cảng Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung đất hiếm và nam châm bên ngoài Trung Quốc có thể cạn kiệt nếu quá trình cấp phép kéo dài. Một khi hệ thống cấp phép hoàn thiện, các doanh nghiệp – đặc biệt là những tập đoàn quốc phòng Mỹ – có thể bị loại khỏi danh sách được phép nhập khẩu vĩnh viễn.
BÁN DẪN VÀ CÔNG NGHỆ CAO CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ
Theo phản ánh của New York Times, động thái này là một phần trong đòn đáp trả của Trung Quốc đối với việc chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng mạnh thuế quan từ ngày 2/4/2025. Chỉ hai ngày sau, Bắc Kinh đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu sáu loại kim loại đất hiếm nặng, hiện được tinh luyện gần như hoàn toàn trong nước, cùng với các loại nam châm đất hiếm – trong đó 90% sản lượng toàn cầu đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất hệ thống cấp phép xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rơi vào tình trạng chờ đợi, lo ngại nguồn cung sẽ cạn kiệt trong thời gian tới.
Các kim loại đất hiếm nặng là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nam châm đất hiếm – loại nam châm có từ lực mạnh gấp nhiều lần nam châm sắt truyền thống. Những nam châm này đóng vai trò sống còn trong động cơ điện dùng cho ô tô điện, máy bay không người lái, robot, tên lửa và tàu vũ trụ.
Đặc biệt, các kim loại này còn là nguyên liệu để chế tạo tụ điện – thành phần quan trọng trong chip máy tính phục vụ trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh. Nếu nguồn cung bị gián đoạn, ngành công nghiệp bán dẫn có thể đối mặt với nguy cơ "đứt gãy" nghiêm trọng, gây ảnh hưởng dây chuyền đến các công ty công nghệ toàn cầu.
Ông Daniel Pickard, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn khoáng sản chiến lược thuộc Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và Bộ Thương mại Mỹ, cảnh báo: “Lệnh kiểm soát xuất khẩu này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nước Mỹ và ngành công nghiệp bán dẫn.”
Trung Quốc hiện chiếm tới 99% sản lượng kim loại đất hiếm nặng toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sản xuất tới 90% sản lượng nam châm đất hiếm trên toàn thế giới (khoảng 200.000 tấn/năm). Phần còn lại chủ yếu đến từ Nhật Bản và một phần nhỏ từ Đức, nhưng họ vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.
TÁC ĐỘNG LAN RỘNG VÀ KHÓ KIỂM SOÁT
Nam châm đất hiếm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu đối với nhiều ngành công nghệ cao. Do đó, việc ngừng xuất khẩu khiến Trung Quốc ít thiệt hại về kinh tế nhưng lại tạo áp lực rất lớn lên các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Đức.
Một số công ty Nhật Bản hiện có kho dự trữ đất hiếm đủ dùng hơn một năm, do đã có kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2010 khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu trong bảy tuần vì tranh chấp lãnh thổ.

Ngược lại, nhiều công ty Mỹ lại không duy trì tồn kho vì lo ngại chi phí tài chính. Giá của một số kim loại như dysprosium oxide đã lên đến 204 USD/kg tại Thượng Hải và cao hơn nhiều khi xuất ra ngoài Trung Quốc.
James Litinsky, CEO của MP Materials – chủ sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ (Mountain Pass, California), bày tỏ lo ngại đặc biệt với các nhà thầu quốc phòng: “Các loại drone và robot được xem là tương lai của chiến tranh, nhưng các thành phần quan trọng cho chuỗi cung ứng lại đang bị đóng băng”.
JL Mag Rare-Earth, nhà máy nổi tiếng ở thành phố Ganzhou (tỉnh Giang Tây), là nơi sản xuất các loại nam châm đất hiếm hiện đại nhất, cung cấp cho các hãng xe điện lớn như Tesla và BYD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đến thăm nhà máy này vào năm 2019, thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, như một lời cảnh báo tiềm ẩn về việc sử dụng đất hiếm làm công cụ chiến lược.
Trong khi Trung Quốc tạm ngừng khai thác do lo ngại ô nhiễm hóa chất vài năm trước, các hoạt động khai thác tại Longnan hiện đã có dấu hiệu tái khởi động.
Lệnh cấm không chỉ áp dụng với Mỹ mà còn ảnh hưởng đến các nước khác như Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, việc thực thi lệnh hạn chế còn không đồng đều giữa các cảng Trung Quốc. Một số cảng cho phép xuất khẩu nếu lô hàng chỉ chứa lượng nhỏ đất hiếm nặng và không đến Mỹ, trong khi nơi khác yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt trước khi cho xuất khẩu.
Dù Mỹ vừa thông báo miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử tiêu dùng từ Trung Quốc, nhưng mặt hàng nam châm đất hiếm vẫn bị áp thuế và bị chặn tại các cảng cuối tuần qua.
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và địa chính trị gia tăng, ngành bán dẫn và công nghệ cao thế giới đang phải đối mặt với một bài toán lớn, đó là thoát khỏi sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.