IPO trì trệ, thuế quan Trump gây rắc rối cho nhà đầu tư công nghệ cá nhân
Thị trường vốn toàn cầu biến động dữ dội và trở nên cực kỳ khó khăn trong thời gian gần đây, bắt nguồn từ những kế hoạch thuế quan mới của Hoa Kỳ…

Vốn đã chịu áp lực trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua đợt sụt giảm hàng nghìn tỷ USD, ngành đầu tư mạo hiểm (VC) nay càng gặp khó do lo ngại xoay quanh mức thuế quan mà Hoa Kỳ công bố, theo CNBC.
Việc thị trường gần như không có thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay M&A (sáp nhập và mua lại) - cộng với xu hướng startup trì hoãn niêm yết - đang gây áp lực lớn lên các quỹ VC. Trong khi đó, giới đầu tư mạo hiểm chỉ có thể hiện thực hóa lợi nhuận khi startup được niêm yết hoặc được bán, từ đó cho phép họ thu hồi vốn.
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế “đối ứng” lên hàng loạt quốc gia, hai kỳ lân công nghệ lớn - công ty fintech Klarna và nền tảng bán vé StubHub - quyết định hoãn kế hoạch IPO do sự lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu. Cả hai đều nộp hồ sơ IPO trong vài tuần gần đây.
“Không ai dám ra mắt trong giai đoạn bất ổn như hiện tại”, ông Tobias Bengtsdahl, đối tác tại quỹ Antler khu vực Bắc Âu, chia sẻ với giới báo chí. “Khi thị trường sụt giảm mạnh như vậy… bạn cũng phải dự đoán điều tương tự sẽ xảy ra với thị trường tư nhân”.
TRIỂN VỌNG KHÓ KHĂN CHO NGÀNH ĐẦU TƯ MẠO HIỂM
Do thị trường tư nhân không biến động như thị trường công khai, nên việc huy động vốn từ sàn chứng khoán hay từ quỹ VC trở nên khó khăn hơn đối với startup công nghệ, khi định giá có nguy cơ bị điều chỉnh giảm.
“Chúng tôi không thay đổi định giá của startup chỉ vì thị trường chứng khoán đi xuống”, ông Bengtsdahl nói thêm. Thông thường, định giá chỉ thay đổi khi startup bước vào vòng gọi vốn mới. “Điều này ảnh hưởng lớn tới việc gọi vốn của các quỹ hiện nay và cả những startup đang tìm vốn từ nhà đầu tư đa giai đoạn”.
Thay đổi định giá còn khiến việc gọi vốn trở nên khó khăn hơn đối với nhóm công ty ở giai đoạn tăng trưởng - vốn dĩ nhạy cảm với biến động thị trường hơn so với startup ở giai đoạn đầu, do họ đang tiến gần hơn tới mục tiêu IPO.
Hơn nữa, thị trường tư nhân kém thanh khoản hơn thị trường công khai, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không dễ dàng bán cổ phần. Hình thức thoái vốn phổ biến nhất là IPO hoặc bán công ty (M&A). Ngoài ra, họ có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp.
“Các đối tác điều hành (General Partners) sẽ chịu áp lực từ đối tác góp vốn (Limited Partners) để đảm bảo thương vụ thoái vốn diễn ra”, ông Alex Barr, đối tác tại công ty quản lý quỹ Sarasin Bread Street, phân tích. Ông nhấn mạnh các thương vụ IPO vẫn luôn là “con dao hai lưỡi khó kiểm soát”.
General Partners là những nhà đầu tư điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi Limited Partners thường là các tổ chức tài chính lớn - như quỹ hưu trí, quỹ đầu cơ - hoặc cá nhân có tài sản lớn góp vốn vào quỹ.
Nhà đầu tư góp vốn rót tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm với kỳ vọng thu về lợi nhuận đáng kể trong vòng đời quỹ, thường kéo dài tới 10 năm. Các quỹ đầu tư giai đoạn sớm thường đặt cược vào việc một vài startup trong danh mục có thể mang lại lợi nhuận vượt trội, như Uber hay Spotify từng làm.
CƠ HỘI CHO CÔNG NGHỆ CHÂU ÂU?

Về mặt tích cực, theo ông Sanjot Malhi, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Northzone (có trụ sở tại London), sự bất ổn hiện tại có thể là cơ hội để startup công nghệ tư nhân châu Âu tỏa sáng.
“Việc tạm ngưng hoạt động IPO trong ngắn hạn là phản ứng tự nhiên trước biến động thị trường gần đây, và chúng ta có thể kỳ vọng có thêm sự rõ ràng khi thị trường ổn định trở lại”, ông Malhi nói. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Nếu dòng vốn và nhân tài cảm thấy môi trường tại Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn, thì phải chuyển hướng, và châu Âu có thể là bên hưởng lợi”.
Bà Christel Piron, Giám đốc Điều hành PSV Foundry, nhà đầu tư vào các startup, nhận định “điểm sáng” giữa bối cảnh bất ổn do thuế quan là “châu Âu đang xích lại gần nhau hơn trong khủng hoảng. Chúng tôi thấy nhiều nhà sáng lập chọn ở lại và phát triển tại châu Âu, được thúc đẩy bởi ý thức ngày càng lớn về trách nhiệm xây dựng quốc gia công nghệ bền vững ở châu Âu”.
Theo ông Malhi từ Northzone, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có thể tìm kiếm con đường thoái vốn khác ngoài IPO, chẳng hạn như sáp nhập và mua lại (M&A).
“Nếu cơ hội IPO toàn cầu tiếp tục thu hẹp về dài hạn, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường M&A sôi động, khi các bên liên quan tìm kiếm phương án thoái vốn để giải quyết vấn đề”, ông Malhi cho hay.
Tuy vậy, điều này làm gia tăng nguy cơ công ty giai đoạn muộn phải chấp nhận các vòng gọi vốn định giá thấp (down round), khi startup huy động vốn với mức định giá thấp hơn so với vòng trước.
“Chúng ta có thể chứng kiến nhiều vòng gọi vốn giai đoạn muộn hơn, khi doanh nghiệp tìm cách lấp đầy khoảng trống tài chính cho đến khi có cơ hội thoái vốn, dù có thể phải chấp nhận mức định giá thấp hơn”, ông Malhi nói thêm.
KỲ VỌNG VÀO CÚ HÍCH TỪ CHÍNH QUYỀN ÔNG TRUMP
Về dài hạn, giới đầu tư kỳ vọng các đợt IPO công nghệ lớn sẽ quay trở lại trong nhiệm kỳ của ông Trump. Trước đó, nhiều quỹ VC từng tin rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ giúp thị trường IPO hồi sinh.
“Nhiều người tin rằng ông Trump sẽ mở cửa thị trường IPO và tạo thuận lợi cho M&A”, ông Bengtsdahl của Antler kỳ vọng.
“Giờ đã 6 tháng trôi qua kể từ khi ông ấy nhậm chức”, ông Bengtsdahl cho rằng thị trường có thể chấp nhận việc chính quyền chưa thực hiện được lời hứa này ở giai đoạn đầu. “Nhưng mọi người đang đòi hỏi điều đó phải xảy ra trong nhiệm kỳ này”.