Hà Nội sẽ đầu tư phát triển mạnh hạ tầng đô thị
Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; Nghiên cứu xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế; Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2-2-2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG THÊM SÂN BAY QUỐC TẾ
Trong đó, Thành phố xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô.
Cụ thể, về giao thông, thành phố sẽ xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông thông minh, hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải; Xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối nội vùng và liên vùng phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, tạo động lực phát triển cho các địa phương; Hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Thành phố cũng đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistic; Xây dựng một số bến thuỷ nội địa phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ.
Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, có sức chở lớn với bến, bãi đỗ xe hiện đại; Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm; Phát triển vận tải hành khách công cộng đa dạng, hiện đại, tiện lợi, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường đạt tỷ lệ 30 -35% vào năm 2025 và 45-50% vào năm 2023.
QUẢN LÝ CHẶT VIỆC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CAO TẦNG
Về phát triển đô thị, thành phố đặt mục tiêu xây dựng đô thị theo hướng từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, gắn kết với giao thông công cộng (TOD), hình thành một số cực tăng trưởng mới; Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị loại nhỏ và vùng ven đô, đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ chú trọng vào công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hoá tại khu vực nội đô lịch sử. Khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, người dân đầu tư cải tạo, chỉnh trang tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc phố cổ, phố cũ và thiết kế đô thị; Triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thủ đô; Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành nhằm thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị.
Thành phố cũng tiến hành quy hoạch bảo tồn, phục hồi không gian kiến trúc cảnh quan đô thị một số khu vực, tuyến phố có đặc trưng văn hoá…; Xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính quận đối với các huyện đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng đạt đủ các tiêu chí thành lập quận theo quy định…
Trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, thành phố đặt kế hoạch xây dựng vận hành hiệu quả hệ thống quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại; Hoàn thành và chuẩn hoá hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và tài nguyên vào năm 2025.
Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.
Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc quản lý sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá theo phương án sử dụng đất được duyệt, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch…
Ngoài Hà Nội, nhiều địa phương khác như Hoà Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Ninh Thuận… cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.