Hàng nghìn doanh nghiệp chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động dưới 1 tháng

Phúc Minh
Chia sẻ

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm khá cao, gần 40%. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khảo sát doanh nghiệp từ 12-22/8 về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5/2021 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress thực hiện cho thấy, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chiếm tỷ lệ khá cao.

Cụ thể, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm đến 69%; 16% oanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và 15% doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể.

DOANH NGHIỆP TẠM ĐÓNG CỬA CHỦ YẾU DO ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung ở  TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây cũng là những tỉnh/thành phố có số ca mắc Covid-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài.

Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%.

Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau.

Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương/địa bàn hiểu một kiểu.

Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, khảo sát cho thấy có gần 45% doanh nghiệp không dự tính được thời gian phải đóng cửa bao lâu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.

Khoảng 28,5% doanh nghiệp dự tính tạm đóng cửa “1-3 tháng”, 2,5% doanh nghiệp dự kiến đóng cửa “hơn 6 tháng”.

NẾU TIẾP TỤC ĐÓNG CỬA, KHẢ NĂNG DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ RẤT CAO

Về dòng tiền, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân người lao động. Ảnh minh họa. 
Doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân người lao động. Ảnh minh họa. 

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất, chiếm 45% có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng; tỷ lệ này ở doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần là 39,5%; ở doanh nghiệp nhà nước là 30%; còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%.

Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở mức 46%. Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có dòng tiền để duy trì hoạt động hơn 6 tháng chỉ 17%.

Vì thế, Ban IV cho rằng, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không. Do đó, thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là mang tính chất quyết định để “cứu nguy” cho doanh nghiệp, nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Chính sách được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất là hỗ trợ vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương”, với 62%. Trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao, nhất là với các nhóm nhân sự quản lý, chuyên môn kỹ thuật sâu.

Để thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp đã phải tăng thêm chi phí bình quân cho 1 lao động một tháng là 9,33 triệu đồng.

Ngoài ra, có tới 65% doanh nghiệp lựa chọn chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng không còn lợi nhuận. Trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, chèo lái được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch để có lợi nhuận thì chính sách này có thể xem là một hành động đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, gần 30% các doanh nghiệp cho rằng hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân cũng là những chính sách hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp lãi và nợ gốc.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh an toàn để linh hoạt lựa chọn, thay vì chỉ có “3 tại chỗ”, bởi chi phí để đáp ứng yêu cầu là quá cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp…

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con