'Học tất cả' - Bí quyết tạo nên đế chế 3 nghìn tỷ USD của CEO Satya Nadella
CEO Satya Nadella đã đến và thay đổi Microsoft, định hướng công ty tập trung phát triển điện toán đám mây và phần mềm nguồn mở. Bên cạnh đó, thay đổi văn hóa cũng là bí quyết giúp ông Nadella gây dựng thành công đế chế hơn 3 nghìn tỷ USD…
Khi Satya Nadella tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành Microsoft vào năm 2014, ông quyết định thực hiện thay đổi văn hóa công ty. Chỉ vài tháng trong vai trò mới, cựu kỹ sư đã nhấn mạnh tầm nhìn và định hướng phát triển trong bản ghi nhớ gửi nhân viên, theo Yahoo Tech.
Ông Satya Nadella viết: "Mỗi chúng ta phải có can đảm để thay đổi bản thân... Với sự can đảm để thay đổi bản thân, chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi công ty và nắm bắt những cơ hội tuyệt vời phía trước".
Một thập kỷ sau, rõ ràng CEO Nadella đã tuyệt đối tuân thủ kim chỉ nam của bản thân và tìm cách đưa Microsoft trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực AI.
THAY ĐỔI ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Ngay khoảng thời gian đầu nhậm chức, một trong những hành động đầu tiên của ông Nadella là xác định rõ Microsoft không phải là công ty "thiết bị, dịch vụ", mà tập trung phát triển điện toán đám mây và phần mềm nguồn mở. Mặc cho Microsoft đã mua lại Nokia vào tháng 9/2013, trong một thỏa thuận trị giá hơn 7 tỷ USD.
Cựu Giám đốc Điều hành Steve Ballmer là người thực hiện thỏa thuận. Năm 2016, Microsoft chính thức từ bỏ mảng kinh doanh di động và điện thoại Nokia để đi theo tầm nhìn mới của CEO Nadella. Trong cuốn sách năm 2017 "Hit Refresh", ông Nadella chia sẻ đã cố gắng ngăn cản giao dịch nhưng bất thành.
Cách tiếp cận mới của ông Nadella không chỉ trên phương diện chiến lược mà còn cả tư duy. Như trong cuốn sách, nhà lãnh đạo gốc Ấn Độ cho rằng: "Mỗi người, mỗi tổ chức và thậm chí cả xã hội khi đạt đến một mốc nào đó đều cần làm mới - để tái tạo năng lượng, thay đổi, điều chỉnh và suy nghĩ lại mục đích phát triển".
Trong hai năm tiếp theo, Microsoft đẩy mạnh xây dựng thị phần mảng điện toán đám mây và trở thành một trong những công ty hàng đầu, chỉ sau Amazon. Tiếp đó là thương vụ mua lại GitHub trị giá 7,5 tỷ USD, nền tảng nơi các nhà phát triển thoải mái tạo và chia sẻ mã. Tất cả nỗ lực này nhằm củng cố tầm nhìn của người đứng đầu Microsoft trong việc thúc đẩy dịch vụ phần mềm nguồn mở.
Đến năm 2019, Microsoft trở nên "rất, rất lo lắng" về sự tiến bộ của Google trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nỗi lo lớn đến mức Giám đốc Công nghệ Kevin Scott lập tức gửi email cho CEO Nadella và tỷ phú Bill Gates, nói rằng "tính năng tự động hoàn toàn trong Gmail" dưới sự hỗ trợ của AI "vô cùng đáng sợ".
Một số email với tiêu đề "Suy nghĩ về OpenAI", có thể đã thúc đẩy Microsoft tìm kiếm các mối quan hệ đối tác, tăng cường nỗ lực AI. Cùng năm đó, Microsoft đầu tư 1 tỷ USD cho OpenAI; cho đến nay, tổng vốn đầu tư đã đạt 13 tỷ USD.
Microsoft cũng hợp tác với OpenAI để tích hợp công nghệ vào sản phẩm của hãng, như công cụ tìm kiếm Bing hay GitHub Copilot.
Với đức tính không ngại thay đổi, ông Nadella sẵn sàng hành động nếu doanh nghiệp cần chuyên gia bên ngoài. Vào tháng 3 năm nay, Microsoft thông báo hợp tác DeepMind và người đồng sáng lập Inflection AI Mustafa Suleyman để phụ trách bộ phận AI. Là một phần thỏa thuận, Microsoft chi 650 triệu USD để lôi kéo phần lớn nhân sự và các mô hình do AI Inflection phát triển.
Ông Suleyman phụ trách giám sát xây dựng mô hình AI nội bộ, có tên MAI-1 từ bộ dữ liệu bao gồm nội dung ChatGPT và nguồn bên ngoài, thông tin công khai trên internet.
THAY ĐỔI VĂN HOÁ NỘI BỘ
Sự thay đổi của vị Giám đốc đối với Microsoft còn nằm ở việc thay đổi văn hóa công ty từ "biết tất cả thành học tất cả".
Phát biểu tại phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai Việc làm Wharton 2022, ông Nadella nhấn mạnh văn hóa học tập là "quá trình đổi mới liên tục", tin tưởng rằng lý thuyết tư duy phát triển của nhà tâm lý học Carol Dweck đã truyền cảm hứng cho ông để thay đổi văn hóa.
CEO Nadella lấy ví dụ: "Bạn có hai học sinh, một người thông minh thiên bẩm và người kia năng lực kém hơn. Người có ít năng lực hơn nhưng chăm chỉ học mọi thứ thì cuối cùng sẽ trở nên tốt hơn. Điều đó đặc biệt đúng khi áp dụng với các CEO và công ty. Tôi nghĩ rằng đối với chúng tôi, đây là phép ẩn dụ văn hóa hữu ích bởi không thể hành động với tư cách là người biết tất cả; bạn phải là người học tất cả".
ĐẾ CHẾ 3 NGHÌN TỶ USD
Quý 4 năm ngoái, Microsoft báo cáo doanh thu 64,7 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi tiêu AI của hãng cũng tăng mạnh và cổ phiếu giảm hơn 6% khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Giám đốc Tài chính Amy Hood khẳng định các khoản đầu tư AI của Microsoft sẽ tạo ra lợi nhuận "trong khoảng 15 năm nữa" và công ty sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD cho những tham vọng AI. Chi tiêu vốn của hãng tăng 77,6% lên 19 tỷ USD trong quý 4/2023, phần lớn ở mảng AI và đám mây.
Doanh thu đơn vị đám mây Azure tăng 29% trong quý và 8 điểm phần trăm đến từ các dịch vụ AI. Sự thay đổi chiến lược của Giám đốc Điều hành Nadella đối với Microsoft giúp nâng giá trị công ty lên khoảng 3,2 nghìn tỷ USD, trở thành công ty thứ hai đạt giá trị thị trường trên 3 nghìn tỷ USD, chỉ sau Apple.