HOSE: Thêm cổ phiếu vào diện kiểm soát, cảnh báo
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HOSE do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn âm...
Cụ thể, HOSE thông báo đưa cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang vào diện kiểm soát từ ngày 10/09/2024, do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC hợp nhất bán niên soát xét năm 2024.
Theo báo cáo bán niên 2024, AGM báo lỗ hơn 98 tỷ đồng, (cùng kỳ lỗ 57,68 tỷ). Qua đó, nâng lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2024 tăng lên hơn 264 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu của công ty từ gần 22 tỷ xuống mức âm hơn 82 tỷ đồng.
Đồng thời, cổ phiếu AGM tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định ngày 29/03/2024 của HOSE do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm 2023 đã được kiểm toán và thuộc diện kiểm soát theo quyết định ngày 2/8/2024 do vốn chủ sở hữu âm tính trên BCTC hợp nhất kỳ gần nhất từ báo cáo tài chính kiểm toán năm.
Bên cạnh đó, HOSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với các cổ phiếu như: HAG (cổ phiếu của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai); TDH (cổ phiếu của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức); APH (cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings); TDC (cổ phiếu của Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương), BCE (cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng và Giao thông Bình Dương); PIT (cổ phiếu của Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex).
Lý do mà HOSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2024 của tổ chức niêm yết là số âm. Theo đó, mức lỗ lớn nhất thuộc về HAG với khoản lỗ lũy kế 957,1 tỷ đồng; tiếp theo là TDH với số lỗ là 784,61 tỷ đồng; TDC có số lỗ là 317,8 tỷ đồng và APH lỗ 141,6 tỷ đồng; BCE lỗ 56,64 tỷ; PIT lỗ 27,47 tỷ;
HOSE cũng giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu ICT của Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện, vì tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC soát xét bán niên 2024 liên quan đến khoản công nợ phải trả Công Star Excellence với giá trị khoảng 11 tỷ đồng tại ngày 30/06/2024.
Giải trình về vấn đề này, tại thời điểm 30/6/2024, theo số liệu sổ sách kế toán đang ghi nhận khoản phải trả Công ty Star Excellence là 11.080.578.173 đồng.
ICT cho biết đây là khoản chênh lệch chưa thanh toán giữa giá trị hàng hoá nhập khẩu và số tiền đã thanh toán của một số hợp đồng nhập khẩu hàng hoá từ năm 2023 trở về trước. Trong kỳ, công ty đã thực hiện các thủ tục đối chiếu xác nhận số dư và thuê một bên độc lập để xác nhận tình trạng hoạt động của khách hàng này. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa có đầy đủ căn cứ để xác định nghĩa vụ đối với khoản nợ phải trả trên.
Tương tự, cổ phiếu SRF của Công ty CP SEAREFICO cũng bị giữ nguyên diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến kết luận ngoại trừ về các khoản phải thu, phải trả và giá trị thuần của các công trình xây dựng dở dang của Công ty trong BCTC soát xét bán niên năm 2024.
Cổ phiếu SRF đồng thời thuộc diện hạn chế giao dịch theo quyết định ngày 20/05/2024 của HOSE do Công ty chậm nộp BCTC năm 2023 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong khi đó, HOSE giữ nguyên diện cảnh báo và kiểm soát với cổ phiếu DTL của Công ty CP Đại Thiên Lộc do lợi nhuận sau thuế không âm nhưng vẫn còn lỗ lũy kế 58,5 tỷ đồng căn cứ BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024.