Khát vọng giao thông xanh tại Indonesia và bài toán về cơ sở hạ tầng

Sơn Trần
Chia sẻ

Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, mang trong mình trách nhiệm to lớn và tiềm năng đi đầu trong lĩnh vực giao thông xanh…

Mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng mà Indonesia đặt ra nhằm thay đổi thói quen di chuyển tại đất nước đông dân nhất Đông Nam Á. Chính phủ và đa số doanh nghiệp đều nhận thấy tác động tiêu cực từ môi trường mà quốc gia này phải đối mặt.

Hiện tại, ngành giao thông vận tải Indonesia chiếm 15% lượng phát thải khí nhà kính, trong đó khoảng một nửa do vận tải đường bộ, chủ yếu là ô tô và xe máy. Tình trạng là hệ quả tất yếu của tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sẽ tăng mạnh khi đất nước tiếp tục phát triển. Hiện Indonesia có hơn 120 triệu xe máy lưu thông trên đường phố, theo KrASIA.

Kế hoạch loại bỏ khí thải carbon là yếu tố quan trọng giúp Indonesia hoàn thành mục tiêu không phát thải vào năm 2060. Bước đi vững chắc đầu tiên thúc đẩy chuyển đổi chính là khuyến khích sử dụng xe điện khi Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như một số hỗ trợ pháp lý khác thúc đẩy ngành công nghiệp EV.

BÀI TOÁN CƠ SỞ HẠ TẦNG

Chính phủ Indonesia có kế hoạch phân bổ 7 nghìn tỷ IDR (459 triệu USD) hỗ trợ 800.000 xe máy điện mới và chuyển đổi 200.000 xe máy xăng vào năm 2024. Về mặt hỗ trợ, Indonesia đã gia hạn cho một số nhà sản xuất ô tô đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế xe điện thêm hai năm nữa. Chính sách đầu tư đi kèm với yêu cầu nhà sản xuất phải xuất xưởng ít nhất 40% linh kiện xe điện trong nước để được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, lộ trình điện khí hóa và sản xuất xe điện chỉ là một phần trong chuỗi giá trị giao thông xanh. Yếu tố quan trọng không kém khác là cơ sở hạ tầng, vấn đề trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nếu muốn duy trì số lượng xe điện lưu thông trên đường. Trong bối cảnh mới, vị trí trạm sạc đóng vai trò chủ chốt.

Hiện tại, có 439 trạm sạc chung và 961 trạm đổi pin dành cho xe điện ở Indonesia. Nhằm mở rộng quy mô, PLN - nhà cung cấp điện độc quyền đặt mục tiêu thành lập 6.316 trạm sạc chung và 14.000 trạm đổi pin vào năm 2025.

Mục tiêu từ Cơ quan Chính phủ như PLN cho thấy đất nước quyết tâm đẩy nhanh quá trình áp dụng và tăng trưởng xe điện.

Năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia công bố mục tiêu chuyển đổi 150.000 xe máy chạy xăng thành xe điện vào năm 2024. Cuối thập kỷ, Indonesia hướng tới mốc 13 triệu xe điện lưu thông trên đường.

Thị trường xe chở khách sẽ tiếp tục tăng khi nhiều siêu đô thị tại Indonesia như Jakarta phát triển không ngừng. Do đó, việc đảm bảo số lượng bãi đậu xe đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng cũng trở thành thách thức lớn. 

Khát vọng giao thông xanh tại Indonesia và bài toán về cơ sở hạ tầng - Ảnh 1

HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI ĐIỆN KHÍ HÓA

Xe điện đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh tại Indonesia, nhưng không phải là tất cả. Tối ưu hóa giao thông công cộng cũng là mục tiêu Chính phủ Indonesia nỗ lực nhằm giảm bớt tắc nghẽn giao thông và lượng khí thải carbon.

Như một phần của kế hoạch, JakLingko đến từ Jakarta, dự án mở rộng hệ sinh thái giao thông công cộng tăng gần gấp ba từ 350.000 lên 1 triệu người chọn di chuyển hàng ngày. Sáng kiến ​cung cấp nhiều dịch vụ vận tải công cộng khác nhau từ chặng đầu đến chặng cuối và đa dạng phương thức thanh toán trên nền tảng thống nhất. Hành khách có thể lập kế hoạch, thanh toán và đặt phương tiện di chuyển cho toàn bộ hành trình thông qua JakLingko.

Ngoài ra, PT MRT Jakarta (Perseroda), công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm thành phố, báo cáo số lượng người dân sử dụng tàu đã tăng trong năm 2023. Khoảng 33,5 triệu người đã chọn lựa đi tàu điện ngầm, nhiều hơn 14 triệu lượt so với năm 2022 khi chỉ có khoảng 19,7 triệu người tin tưởng phương tiện này.

Công ty cũng hợp tác với dịch vụ vận tải địa phương, giúp người dân đến ga tàu điện ngầm dễ dàng hơn. Theo đó, Trung tâm Giao thông Dukuh Atas Jakarta là khu vực đầu tiên tại Jakarta được thiết kế giúp người dân dễ dàng chuyển đổi giữa các loại phương tiện giao thông khác nhau. Lựa chọn di chuyển bổ sung không chỉ thúc đẩy số lượng người đi tàu điện ngầm lên khoảng 22% mà còn khuyến khích nhiều người đi chung xe (chia sẻ phương tiện) thay vì sử dụng ô tô cá nhân.

Nỗ lực đã giúp giảm 26% lượng khí thải nhà kính và đồng thời giảm chi tiêu hàng tháng của người sử dụng giao thông công cộng từ 30% xuống 8%. Thống đốc Jakarta cho biết thành phố sẽ xây dựng thêm nhiều tuyến xe buýt điện.

Thành công của JakLingko nêu bật sự cần thiết phải có những sáng kiến ​​song song. Trong trường hợp này, phát triển nền tảng quản lý thanh toán giao thông thống nhất và điện khí hóa xe buýt một lần nữa nhấn mạnh thông điệp giao thông xanh là tương lai và người dân “được nhiều hơn mất” trong quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Theo báo cáo gần đây từ ADB, năng lượng sạch và phương tiện di chuyển ít carbon có tiềm năng đóng góp 90 – 100 tỷ USD doanh thu trên khắp Đông Nam Á vào năm 2030. Indonesia, với tư cách là quốc gia lớn nhất trong khu vực, sẽ đương nhiên được hưởng lợi, đặc biệt khi tỷ lệ thâm nhập xe điện 0,2% hiện tại của đất nước đạt mốc tương tự như Trung Quốc mười năm trước, cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

CHUNG TAY CHINH PHỤC MỤC TIÊU XANH

Tính cấp bách và tiềm năng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Indonesia đã được khẳng định rất rõ. Hầu hết công ty khởi nghiệp sẵn sàng đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch, tạo ra tác động lâu dài đến hành trình chinh phục mục tiêu xanh của xứ sở vạn đảo.

Tuy nhiên, Indonesia không thể hoàn thành mục tiêu một mình. Nguồn vốn tài trợ từ nhà đầu tư là một phần thiết yếu trên hành trình đạt mức phát thải ròng bằng không của đất nước.

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022, Chính phủ Indonesia đã củng cố cam kết đối với tham vọng không khí thải, nhấn mạnh định hướng chuyển đổi sang phương tiện không phát thải là một trong những trọng tâm chính. Nhưng ngoài sản xuất xe điện, nhiều ngành dọc liên quan như trao đổi pin, tái chế pin và dịch vụ hậu mãi đòi hỏi đầu tư và hợp tác đáng kể nhằm thúc đẩy tăng trưởng. 

Indonesia còn khá nhiều thứ phải làm để đạt mục tiêu, nhưng sự vào cuộc từ đa số nhà đầu tư, tổ chức chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ quá trình.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con