Khó khăn của bất động sản có thể làm thay đổi bức tranh ngân hàng 2-3 năm tới
Rủi ro chính của ngành ngân hàng phụ thuộc vào bất động sản. Ngành ngân hàng tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đang đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây...
Tham luận có tên "Bức tranh Tăng trưởng ngành Kinh tế chính tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023" được thực hiện bởi ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup, cho thấy, triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục đến từ xuất nhập khẩu, hồi phục sau đại dịch từ tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Hầu hết các ngành vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 ngoại trừ các ngành như Tài chính (bao gồm ngân hàng và bảo hiểm); Nông nghiệp; và Khai khoáng: do hồi phục xuất hồi phục nhiều mặt hàng trong đó có volfram, đồng...Một số ngành có sự hồi phục tốt đạt gần tiệm cận với tốc độ trước dịch như Vận tải, Kho bãi; Lâm nghiệp. Còn lại đa phần các ngành chưa về mức độ tăng trưởng trước Covid-19 diễn ra.
Dù vậy, về tình hình kinh doanh, hầu hết các ngành đều có triển vọng sáng trong năm 2022 với tổng doanh thu ròng tăng 14% năm 2022 so với năm 2021 mức tăng 20,5%. Bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng tốt nhưng đang gặp khó khăn do những thay đổi chính sách và tín dụng/ nguồn vốn. Ngành xây dựng: kỳ vọng vào đầu tư công, FDI và Bất động sản.
Một số ngành được dự báo có sự suy giảm doanh thu năm 2022 như Điện: kế hoạch giảm 19,2%%, chủ yếu do điện khí – thiếu nguồn cung khí đầu vào trong khi đó điện than, thủy điện thường có kế hoạch thận trọng; Vận tải thủy và logistics do các doanh nghiệp kỳ vọng chỉ số giá vận tải biển sẽ hạ nhiệt và nhóm Phân bón do giá phân bón đã tăng quá mạnh và đạt đỉnh vào Q1/2022 và được dự báo sẽ giảm.
Đánh giá riêng với nhóm ngân hàng, theo Chủ tịch FiinGroup, ngành ngân hàng được dự báo có tăng trưởng 30% về lợi nhuận sau thuế năm 2022 trên cơ sở tín dụng dự kiến tăng trưởng 14% năm 2022. NIM tiếp tục duy trì nhờ giảm quy mô gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mặc dù mặt bằng lãi suất/chi phí vốn huy động đang có xu hướng tăng.
Thu nhập thừ phí dịch vụ tiếp tục tăng do kinh tế phục hồi cũng như dịch vụ thanh toán tiếp tục đà tăng trưởng. Nhiều ngân hàng đã có cơ hội hoàn nhập dự phòng từ nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID-19 đã trích lập trước đó.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn chịu áp lực từ nợ xấu tiềm ẩn gia tăng và chất lượng tín dụng của ngành bất động sản dân cư. Áp lực nợ xấu tăng do nợ xấu tiềm ẩn từ dư nợ tái cơ cấu Covid.
Trong khi đó, ngành Bất động sản nhà ở/dân cư đang chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid và những thay đổi chính sách sau những sự kiện gần đây. Tình hình triển khai dự án chậm vì giãn cách xã hội do Covid – thể hiện qua chỉ số Contracted Sales/ Hàng tồn kho giảm mạnh. Sản lượng căn hộ bán được giảm mạnh, giảm còn khoảng 30% chỉ tính thị trường Hà Nội và TP. HCMC – vốn chiếm khoảng 60% quy mô cả nước.
Tín dụng bất động sản hiện đang gặp khó với Thông tư 16 của Ngân hàng. Nhà nước và diễn biến gần đây ở kênh trái phiếu doanh nghiệp với Dự thảo sửa đổi Nghị định 153; và thay đổi chính sách sau sự kiện đấu giá đất Thủ thiêm.
Tóm lại, theo ông Nguyễn Quang Thuân, ngành Bất động sản nhà ở/dân cư đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn với tiềm năng lớn và triển vọng dài hạn tốt nhưng những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi. Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm xây dựng & vật liệu xây dựng và đặc biệt là ngành ngân hàng.
"Rủi ro chính của ngành ngân hàng phụ thuộc vào bất động sản. Ngành ngân hàng tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đang đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.
Những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: Bất động sản và Ngân hàng cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Việt Nam hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/ cổ phiếu", Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.