Khối ngoại tăng tốc mua vào, dòng tiền cân giá tốt đỡ VN-Index chốt ở đỉnh cao nhất phiên
Hoạt động tái cơ cấu ETF cuối phiên hôm nay gây xáo trộn nhất định ở một số cổ phiếu. Một thoáng bất ngờ với giá dự kiến đóng cửa giảm sâu ở đợt ATC với VIC, VHM, HPG, VPB… nhưng dòng tiền cân đối khá nhanh. Biến động giá lúc đóng cửa không nhiều và VN-Index chốt phiên duy trì mức tăng 0,9% lên mức 1224,05 điểm, sát đỉnh cao nhất ngày...
Hoạt động tái cơ cấu ETF cuối phiên hôm nay gây xáo trộn nhất định ở một số cổ phiếu. Một thoáng bất ngờ với giá dự kiến đóng cửa giảm sâu ở đợt ATC với VIC, VHM, HPG, VPB… nhưng dòng tiền cân đối khá nhanh. Biến động giá lúc đóng cửa không nhiều và VN-Index chốt phiên duy trì mức tăng 0,9% lên mức 1224,05 điểm, sát đỉnh cao nhất ngày.
VIC đóng cửa ở giá 62.100 đồng, thấp nhất phiên và chỉ còn tăng 0,16% so với tham chiếu. Cổ phiếu này có lượng bán lớn tới 1,83 triệu đơn vị trong đợt ATC và giá bị đánh tụt xuống từ mức 62.700 đồng. VHM cũng xuất hiện giao dịch khoảng 1,09 triệu cổ và giá từ 55.000 đồng lùi xuống 54.700 đồng, chỉ còn tăng được 0,18% so với tham chiếu. Hai cổ phiếu này giảm hiệu quả đỡ điểm số rất nhiều cho VN-Index.
Tuy nhiên các cổ phiếu khác vẫn duy trì được sức mạnh, một số còn tăng cao hơn lúc đóng cửa. GVR nhảy thêm 2 bước giá, chốt tăng 5,56% so với tham chiếu. Tuy GVR không phải là cổ phiếu vốn hóa hàng đầu nhưng mức tăng này rất mạnh nên tạo hiệu ứng điểm số tốt. BID cũng bật cao thêm ở đợt ATC, đóng cửa tăng 1,62%. MSN cũng nhảy tới 7 bước giá, chốt tăng 2,39%. Ngoài ra HPG tăng 1,47%, TCB tăng 1,47%, CTG tăng 1,09% là các trụ khá mạnh khác.
Khối ngoại phiên chiều giao dịch lớn do có hoạt động tái cơ cấu, nhưng tổng thể là mua ròng. Cụ thể, khối này giải ngân 1.708,8 tỷ đồng và bán ra 1.348,3 tỷ, tương ứng mua ròng 360,5 tỷ đồng. Phiên sáng khối này mới mua ròng 86 tỷ. Như vậy hai phiên cuối tuần này nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua ròng gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu trên HoSE. Tuy nhiên đây có thể chỉ là hiệu ứng của tuần tái cơ cấu trong ngắn hạn.
Thị trường chiều nay không có sự bứt phá nào rõ ràng, thậm chí VN-Index thể hiện các nhịp trồi sụt khá lớn. Tuy vậy chỉ số đóng cửa vẫn ở mức cao nhất dù không tăng bao nhiêu so với cuối phiên sáng. Điểm tích cực là ảnh hưởng co kéo giữa các trụ không tác động sang các mã khác, mặt bằng giá cổ phiếu cũng mạnh lên. Cụ thể, VN-Index chốt phiên sáng mới có 109 mã tăng trên 1% thì kết phiên có 152 mã.
Độ rộng cũng duy trì tích cực trên sàn HoSE với 376 mã tăng/125 mã giảm. Thanh khoản phiên chiều trên hai sàn niêm yết tăng 9% so với buổi sáng, đạt 11.394 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng 11% với 10.474 tỷ đồng. Thanh khoản lớn duy trì được đà tăng giá là một hiệu ứng thuận chiều, thậm chí khá nhiều cổ phiếu tăng rất mạnh với giao dịch lớn. Toàn sàn HoSE có 53 cổ phiếu đạt giao dịch trên 100 tỷ đồng thì 29 cổ phiếu tăng trên 1%, trong đó 21 mã tăng trên 2%. GDM, GEX, VCG, DGC, HAG, FTS, GVR là các mã nổi bật với mức tăng rất mạnh.
Phía giảm chiều nay cũng có thêm các cổ phiếu chịu sức ép mạnh hơn. Thêm nhiều cổ phiếu giao dịch lớn và mức giảm giá mở rộng trên 1% như TCH, VPI, TSC, BMP, HHS, SAB, ORS. Dù vậy tổng thể giao dịch ở nhóm cổ phiếu giảm quá 1% này cũng chỉ chiếm 2,7% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ thường có hoạt động chốt lời ngắn hạn để giảm rủi ro trong trường hợp xuất hiện thông tin bất lợi trong thời gian dừng giao dịch. Hôm nay cũng có lực bán tái cơ cấu, nhưng thống kê cho thấy biến động tụt giá không nhiều. Cụ thể, sàn HoSE chỉ 37,4% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch xuất hiện biến động lùi giá hơn 1% so với mức đỉnh trong ngày. Trong số này cũng chỉ có 53 cổ phiếu bị đánh tụt xuống vùng giá đỏ, tức là lực bán đủ mạnh để đảo chiều giá.
Mặt khác, tổng thể thanh khoản khớp lệnh hai sàn hôm nay vẫn duy trì mức cao 21.876 tỷ đồng, tăng gần 2% so với hôm qua. Thị trường không có tín hiệu giảm thanh khoản tức là nhà đầu tư vẫn khá tự tin để nắm giữ hoặc mua vào cho cơ hội sau kỳ nghỉ Lễ.