Không chỉ OpenAI, DeepSeek làm chao đảo nhiều gã khổng lồ Trung Quốc
Tiến bộ của DeepSeek ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán thế giới và toàn bộ công ty AI…
![DeepSeek trở thành hiện tượng gây xôn xao dư luận ngay từ khi ra mắt.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/12/deepseek.jpeg)
Hiện nay, có thể nói ảnh hưởng của DeepSeek đã lan rộng nhanh chóng tại thị trường nội địa, bằng chứng là một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua nhằm đưa mô hình nguồn mở này vào các dịch vụ trọng điểm, theo CNN Business.
Đầu tháng 2/2025, gã khổng lồ viễn thông Huawei cho biết sẽ khởi chạy DeepSeek trên phần cứng máy tính của hãng bao gồm bộ xử lý máy tính Ascend, được sản xuất hoàn toàn trong nước.
ĐÒN ĐÁP TRẢ HOA KỲ
Nhóm nhà phân tích tại tổ chức đầu tư & nghiên cứu Bernstein, viết trong một lưu ý vào đầu tháng này: "Mối quan hệ đối tác giữa DeepSeek và Huawei thách thức loạt lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ bằng cách chứng minh rằng Trung Quốc có thể cung cấp hiệu suất AI với khả năng cạnh tranh toàn cầu và chỉ cần sử dụng phần cứng - phần mềm AI được phát triển nội địa, ví dụ như thay thế chip Nvidia bằng chip Ascend".
Bắt đầu từ cuối năm 2022, Chính quyền Tổng thống Biden đã áp dụng một số vòng kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc nhằm mục đích hạn chế tiếp cận công nghệ mà Washington lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng để chế tạo thế hệ vũ khí và hệ thống AI tiếp theo.
Nhưng thành công của mô hình AI R1 mới nhất từ DeepSeek, được đào tạo với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với hầu hết công ty lớn như ChatGPT, dường như đã bác bỏ giả định rằng việc cắt đứt quyền truy cập vào chip tiên tiến có thể ngăn cản thành công tiến bộ của Trung Quốc.
DeepSeek nổi tiếng đến mức nhiều nhà sản xuất chip AI hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Moore Threads, Enflame do Tencent hậu thuẫn, Kunlunxin thuộc Baidu và Hygon Information Technology, cũng tuyên bố hỗ trợ công ty này khi quyết định chạy mô hình R1 trên chip điện toán của các hãng.
BÊN NGOÀI THỊ TRƯỜNG CHIP
Ngoài các nhà sản xuất chip, một số đại gia công nghệ Trung Quốc cũng nhanh chóng đưa dịch vụ của DeepSeek vào hệ sinh thái.
![Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đồng loạt tuyên bố tích hợp DeepSeek trong hệ sinh thái sản phẩm. ](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/12/deepseek.png)
Alibaba, Tencent, Baidu và công ty mẹ của TikTok Bytedance đều đưa ra thông báo sẽ cung cấp dịch vụ của Deepseek thông qua nền tảng đám mây riêng. Ba nhà khai thác viễn thông lớn của đất nước, cùng với nhà sản xuất thiết bị điện tử Lenovo và thương hiệu ô tô Geely, cũng tiến hành áp dụng DeepSeek vào sản phẩm.
"Điều này đóng vai trò là sự công nhận cho các công ty mô hình lớn nguồn mở. Nếu mô hình của bạn đủ tốt, các gã khổng lồ AI sẵn sàng tích hợp vào nền tảng ngay lập tức", ông Lian Jye Su, nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu công nghệ Omdia, nhận định.
Một số thương hiệu Big Tech Trung Quốc, vốn đã thống trị thị trường internet nước này trong hơn một thập kỷ, đã bắt đầu triển khai dự án mô hình ngôn ngữ lớn riêng trong hai năm qua kể từ khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022.
Mặc dù xuất hiện một số sản phẩm cạnh tranh, nhưng DeepSeek vẫn là dấu ấn lớn nhất ở thời điểm hiện tại. Ông Su cho biết lý do chính khiến nhiều công ty áp dụng mô hình của DeepSeek là để thu hút người dùng cũng như doanh nghiệp sử dụng sản phẩm.
“Trên thực tế, việc kiếm tiền trực tiếp từ các mô hình lớn là điều khó khăn đối với những gã khổng lồ AI — trừ khi mô hình được tích hợp trong các ứng dụng dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp”, nhà phân tích chia sẻ.
Động thái mới phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn. Ngay cả các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ, bao gồm Nvidia, Microsoft và Amazon, cũng tuyên bố sẽ ứng dụng DeepSeek trong hệ sinh thái.
KHÓ KHĂN VẪN CÒN ĐÓ
Deepseek, công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc) được thành lập vào năm 2023, đã gây chấn động toàn thế giới vào tháng trước khi ra mắt mô hình AI mới nhất.
Ứng dụng trợ lý AI của hãng nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống toàn cầu, vượt qua ChatGPT vào cuối tháng 1/2025. Theo phương tiện truyền thông nội địa, trong vòng 20 ngày kể từ khi ra mắt, số người dùng hoạt động của ứng dụng đã vượt trên 22 triệu.
Bất chấp tín hiệu lạc quan, các nhà phân tích cảnh báo tình trạng tắc nghẽn trong quá trình phát triển chip AI của Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu từ Hoa Kỳ.
Ông Linghao Bao, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu & tư vấn Trivium China, chia sẻ: "Việc chuyển mô hình của DeepSeek sang các kiến trúc chip khác nhau đòi hỏi rất nhiều thao tác phần mềm cấp thấp và thực tế việc có thể thực hiện quá trình một cách nhanh chóng là điều đáng kinh ngạc, nhưng không giải quyết bài toán thiếu chip".
Ông Bao cho biết mục tiêu tăng cường sản xuất chip tiên tiến vẫn gặp nhiều cản trở do thiếu thiết bị, đa số từ Hoa Kỳ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Và bên ngoài Trung Quốc, bối cảnh phát triển nhanh chóng của DeepSeek đã thu hút sự giám sát từ nhiều chính phủ. Tuần trước, Đài Loan và Úc đã tuyên bố cấm quan chức chính phủ sử dụng dịch vụ AI mới này vì rủi ro bảo mật dữ liệu.
Một số bộ ban ngành chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành lệnh cấm. Tháng trước, Italia đã áp dụng lệnh chặn toàn diện đối với ứng dụng DeepSeek sau khi công ty không giải quyết được những rủi ro về quyền riêng tư do chính quyền nêu ra. Kể từ đó, nhiều quốc gia khác đã nêu lên mối e ngại về hoạt động bảo mật dữ liệu trên ứng dụng.