LinkedIn chính thức từ bỏ thị trường Trung Quốc
LinkedIn cho biết trang web của công ty ở Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và môi trường pháp lý chặt chẽ…

Trong gần một thập kỷ, LinkedIn đã chiến đấu hết sức mình để tồn tại ở Trung Quốc, đồng thời đánh bại nhiều ông lớn truyền thông xã hội khác nhờ cơ chế tự kiểm duyệt. Nhiều năm trôi qua, khi cổ phần đang trên đà tăng trưởng thì công ty bắt đầu phải đối mặt với những đối thủ nổi bật trong nước, theo Techwireasia.
Không có gì quá bất ngờ, vào năm 2021, LinkedIn đã đóng cửa dịch vụ mạng hàng đầu của công ty. Lý do được cho là vì quá nhiều vấn đề cần tuân thủ và "môi trường hoạt động khó khăn". Vào thời điểm đó, LinkedIn ở Trung Quốc sở hữu 53 triệu người dùng, chiếm khoảng 7% tổng số người dùng toàn cầu.
Tuy nhiên sau đó LinkedIn đã không từ bỏ, nền tảng này quyết định thay thế phiên bản tiếng Trung của trang web bằng dịch vụ chia sẻ thông tin việc làm mới có tên "InCareer". Ý tưởng tạo ra là một trang web tuyển dụng mà không có bất kỳ chức năng truyền thông xã hội nào của LinkedIn.
Phiên bản rút gọn ra mắt vào tháng 12/2021 cũng hạn chế người dùng Trung Quốc chia sẻ bài đăng hay tin tức. Nhưng InCareer cũng không tồn tại được lâu. Trong một thông báo sa thải mới đây, LinkedIn cho biết sẽ cắt giảm 716 việc làm, điều này ngay lập tức dẫn đến hậu quả là phiên bản LinkedIn tiếng Trung sẽ đóng cửa.
Là công ty công nghệ mới nhất thông báo cắt giảm nhân sự, LinkedIn cho biết mục đích chủ yếu là giảm thiểu chi phí, các nhóm lao động như bán hàng, vận hành và hỗ trợ bị ảnh hưởng đầu tiên. Động thái này được công bố sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3,5% trong số khoảng 19.000 nhân viên LinkedIn toàn thế giới. Giám đốc điều hành LinkedIn, ông Ryan Roslansky, đã viết trong thư gửi nhân viên vào ngày 8/5 rằng 716 việc làm bị cắt giảm trên toàn cầu sẽ bao gồm cả các nhóm lao động phụ trách vận hành sản phẩm và kỹ thuật tại thị trường Trung Quốc.
"Mặc dù InCareer đã đạt một số thành công trong năm qua nhờ đội ngũ đầy tâm huyết của chúng tôi tại Trung Quốc, nhưng lại vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt và môi trường kinh tế vĩ mô nhiều thách thức", vị CEO nhận định. Nói cách khác, LinkedIn một lần nữa giảm bớt hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc, minh chứng rõ rệt cho những thách thức khi điều hành một doanh nghiệp nước ngoài tại nước này.
Chỉ hai tháng trước, LinkedIn đã bị cơ quan quản lý internet Trung Quốc triệu tập và yêu cầu rà soát, làm sạch nội dung trực tuyến. Cùng tháng đó, công ty cho biết đã "tạm dừng đăng ký thành viên mới" khi cố gắng tuân thủ "luật pháp địa phương".
Cho đến nay, InCareer vẫn duy trì chức năng nhắn tin một cách hạn chế và việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng phần lớn đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi có ít công cụ hơn để giám sát hoạt động tuyển dụng. Trong một bức thư riêng bằng tiếng Trung gửi khách hàng được công bố trên nền tảng WeChat, LinkedIn cho biết InCareer sẽ đóng cửa vào ngày 9/8/2023.
Kể từ khi ra mắt, InCareer đã tụt lại rất nhiều so với các nền tảng đối thủ trong nước. Theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys, có 959.600 người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 3 trên nền tảng này. So sánh với các nền tảng tuyển dụng trực tuyến khác của Trung Quốc bao gồm 51job có 18,5 triệu người dùng cùng kỳ, Boss Zhipin có 17,3 triệu và Liepin có 6,7 triệu.
TƯƠNG LAI LINKEDIN Ở TRUNG QUỐC SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Lưu ý của ông Roslansky nhấn mạnh rằng LinkedIn sẽ tập trung vào chiến lược hỗ trợ các công ty hoạt động tại Trung Quốc thuê, tiếp thị và đào tạo nhân sự nước ngoài. "Chúng tôi sẽ triệu tập một cuộc họp tại Trung Quốc trong những ngày tới để thảo luận về những thay đổi này, bao gồm việc ngừng các nhóm vận hành sản phẩm và kỹ thuật ở Trung Quốc cũng như thu hẹp quy mô một số bộ phận như bán hàng và tiếp thị", ông kết luận.