Meta công bố kế hoạch xây dựng tuyến cáp biển dài nhất thế giới
Mới đây, Meta chính thức công bố kế hoạch xây dựng tuyến cáp ngầm dài 50.000 km (31.000 dặm) xuyên lục địa…

Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ cho biết Dự án Waterworth - kết nối Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và một số khu vực khác, là dự án cáp ngầm dưới biển dài nhất thế giới sau khi hoàn thành, theo Yahoo Tech.
Meta, công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực công nghệ ngoài mạng xã hội, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Meta khẳng định dự án cáp mới cung cấp khả năng "kết nối hàng đầu trong ngành" tới năm châu lục lớn và giúp hỗ trợ tất cả dự án trí tuệ nhân tạo của công ty. "Dự án sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, chuyển đổi số và mở ra cơ hội phát triển công nghệ tại nhiều khu vực", Meta chia sẻ bài đăng trên blog.
Theo công ty, dự án sở hữu tuyến cáp dài nhất từ trước đến nay, sử dụng công nghệ 24 cặp sợi quang, mang đến khả năng truyền tải dữ liệu lớn. Hệ thống cáp ngầm dưới biển ngày càng quan trọng, bởi chúng cung cấp phương tiện vận hành nhiều dịch vụ kỹ thuật số và truyền tải dữ liệu toàn cầu với tốc độ nhanh chóng.
Ngày nay, hơn 95% lưu lượng internet toàn cầu được chuyển tải qua cáp ngầm dưới biển. Công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeography thống kê hiện có hơn 600 hệ thống cáp ngầm dưới biển công khai trên toàn thế giới.
Trong đó có cáp 2Africa, được Meta và một số nhà cung cấp mạng di động như Orange, Vodafone và China Mobile hỗ trợ, kết nối ba châu lục và kéo dài 45.000 km.
NHIỀU ÔNG LỚN TĂNG ĐẦU TƯ
Nhiều công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ web đã đầu tư số tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng cáp.
Google thông tin năm 2024, công ty sẽ xây dựng tuyến cáp ngầm đầu tiên kết nối châu Phi và Australia, đồng thời công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD để tăng cường kết nối với Nhật Bản thông qua hai hệ thống cáp ngầm mới ở Thái Bình Dương.
Giáo sư Vili Lehdonvirta, Viện Internet Oxford, trả lời giới báo chí: "Trong suốt thập kỷ qua, cáp ngầm ngày càng được doanh nghiệp công nghệ lớn ưu tiên triển khai".
Ông Lehdonvirta cho biết điều này trái ngược hoàn toàn với quá khứ, khi dây cáp dưới biển thường được triển khai bởi nhóm công ty viễn thông quốc gia. Điều này phản ánh quy mô và vị thế ngày càng lớn của công ty công nghệ lớn, cho phép họ tự xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách của mình, đây "có thể là yếu tố quan trọng đối với các nhà làm chính sách quan tâm đến thị trường kỹ thuật số", Giáo sư Viện Internet Oxford nói thêm.
Nhà phân tích ngành viễn thông và công nghệ Paolo Pescatore nhận định dự án này phản ánh rõ nét tham vọng của Meta.
"Meta thể hiện mong muốn mạnh mẽ trong việc làm chủ lĩnh vực kết nối", ông Pescatore nói. "Đây là minh chứng khẳng định Meta đang cố gắng vượt qua đối thủ trong việc cung cấp cho người dùng trải nghiệm độc đáo bằng cách tích hợp chặt chẽ phần cứng, phần mềm, nền tảng và tham vọng ngày càng lớn trong lĩnh vực kết nối".
CÁC MỐI ĐE DỌA TIỀM ẨN
Tuy nhiên, tầm quan trọng ngày càng tăng của tuyến cáp ngầm dưới biển làm dấy lên những lo ngại về mức độ tổn thương khi bị tấn công hoặc gặp sự cố. Sau loạt sự kiện cáp bị cắt đứt, các chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng viễn thông dưới biển có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và xung đột.
Năm ngoái, NATO triển khai một kế hoạch vào khoảng tháng 1 nhằm tăng cường giám sát tàu thuyền ở biển Baltic sau khi tuyến cáp ngầm bị thiệt hại nghiêm trọng. Điều này tạo nên mối lo ngại ngày càng tăng về "khả năng gây tổn hại cơ sở hạ tầng dưới biển - đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng, xung đột gia tăng".
Về phần mình, Meta cho biết trong bài đăng trên blog thông báo về Dự án Waterworth rằng họ sẽ lắp đặt hệ thống cáp ở độ sâu lên đến 7.000 mét và "sử dụng kỹ thuật chôn cáp nâng cao ở các khu vực rủi ro, như vùng nước nông gần bờ, để tránh bị hư hại do móc neo tàu và mối nguy hiểm khác".
Giáo sư Lehdonvirta cho rằng dự án này dường như không đi theo tuyến đường truyền thống, bỏ qua châu Âu, Trung Quốc, tránh "điểm nóng địa chính trị" ở kênh đào Suez và Biển Đông.
Ngoài ra, việc kết nối Hoa Kỳ với các thị trường lớn, đang có tranh chấp ở Nam Bán cầu có thể được coi là "củng cố sức mạnh kinh tế và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ ở nước ngoài".