Meta định vị WhatsApp như một siêu ứng dụng
Không ồn ào hay phô trương, Meta đang âm thầm nâng cấp tính năng của ứng dụng nhắn tin WhatsApp với kỳ vọng biến nền tảng này thành siêu ứng dụng thực thụ…

Tại châu Á, mô hình siêu ứng dụng đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng tại phương Tây, khái niệm này vẫn chưa thực sự phổ biến. Những ứng dụng như WeChat (Trung Quốc), Grab (Singapore), Gojek (Indonesia) hay Paytm (Ấn Độ) đều cung cấp hàng loạt dịch vụ tích hợp trong cùng một nền tảng: từ nhắn tin, thanh toán, mạng xã hội, mua sắm, đặt xe, giao đồ ăn đến các dịch vụ chính phủ, theo Tech News World.
"Thay vì sao chép toàn bộ mô hình của WeChat, Meta dường như đang chắt lọc hành vi người dùng", ông Paul Armstrong, nhà sáng lập công ty tư vấn công nghệ TBD Group cho hay.
"WeChat tích hợp nhắn tin, thanh toán, thương mại điện tử, mạng xã hội và cả dịch vụ công trong một nền tảng duy nhất", ông Paul phân tích. "WhatsApp không được thiết kế để vận hành nhiều chức năng đến vậy, phần lớn luật pháp hiện hành cũng không cho phép".
"Thay vào đó, Meta đang bổ sung những tính năng ‘nhẹ’, có tính ngữ cảnh cao, dễ sử dụng và gần như có thể ẩn khi không cần thiết", ông Paul nói thêm.
RÀO CẢN TỪ APP STORE
Theo ông Ross Rubin, chuyên gia tại Reticle Research (New York), ý tưởng về siêu ứng dụng ở Hoa Kỳ đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
"Lý do một phần là vì khác với Trung Quốc – nơi có nhiều kho ứng dụng khác nhau – tại Hoa Kỳ, chỉ có hai nền tảng lớn là Apple và Google. Họ có vô số ứng dụng cạnh tranh trực tiếp với nhau ở nhiều mảng".
Ví dụ, nếu một siêu ứng dụng muốn tích hợp dịch vụ gọi xe, thì phải cạnh tranh với Uber. "Điều này rất khó, vì bạn phải thuyết phục người dùng rời bỏ Uber để chuyển sang nền tảng mới", ông Malik Ahmed Khan, chuyên gia phân tích cổ phiếu công nghệ tại Morningstar Research Services (Chicago) giải thích. "Ứng dụng đó phải tự có dịch vụ gọi xe riêng hoặc hợp tác với Uber, mà Uber không dễ gì chịu chia sẻ thông tin người dùng".
Ông Adam Landis – Giám đốc tăng trưởng công ty phân tích Branch (California) cũng đồng tình rằng chính sách nghiêm ngặt của Apple đang là rào cản lớn. "Tại châu Á, siêu ứng dụng là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhưng ở Hoa Kỳ, giới hạn về thanh toán, phân phối ứng dụng và tích hợp hệ sinh thái khiến mô hình này chưa thể phổ biến".
Tuy vậy, Giám đốc Branch cho rằng mọi thứ có thể thay đổi khi Apple nới lỏng chính sách. "AI đang tái định hình thương mại số. Meta có thể tận dụng dữ liệu hành vi và giao dịch để thúc đẩy thế hệ tiếp theo của thương mại được hỗ trợ bởi AI. AI chính là chất xúc tác. Những nền tảng như OpenAI, với khả năng ghi nhớ ngữ cảnh và tích hợp nhiều dịch vụ, có thể trở thành siêu ứng dụng trá hình, xử lý tìm kiếm, ra quyết định và giao dịch tự động".
RÀO CẢN TỪ NIỀM TIN NGƯỜI DÙNG
Tuy nhiên, ông Khan cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở niềm tin khách hàng. "Nếu Meta tích hợp quá nhiều dịch vụ vào WhatsApp, người dùng sẽ lo ngại về quyền riêng tư: 'Meta biết tôi gọi Uber lúc nào? Biết tôi đang đi đâu?'"
Theo bà Jennifer, để chiếm lĩnh thị trường thanh toán di động, một siêu ứng dụng phải mang đến sự tiện lợi vượt trội so với những giải pháp hiện tại. "Nếu tôi thường xuyên trò chuyện trên WhatsApp hay X và việc thanh toán ở đó tiện lợi, tôi sẽ dùng ứng dụng nhiều hơn".

Tuy nhiên, bà Jennifer cảnh báo Meta từng thất bại khi triển khai thanh toán qua WhatsApp tại Ấn Độ – một thị trường tiềm năng. "Dù đã vượt qua rào cản pháp lý, họ vẫn không thể giành được thị phần trước Google Pay".
Ông Chris Sorensen – CEO công ty phần mềm PhoneBurner (California) nhận định: "Ở các thị trường đang phát triển, siêu ứng dụng có thể là giải pháp tối ưu cho những nơi băng thông kém hoặc bộ nhớ điện thoại hạn chế. Nhưng ở phương Tây, người dùng có tâm lý e ngại khi một công ty nắm quá nhiều quyền kiểm soát".
"Việc tích hợp rộng rãi và thay đổi hành vi người dùng không thể diễn ra trong một sớm một chiều", ông Chris nói.
CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU ĐẰNG SAU WHATSAPP
Ông David Bader – Giám đốc Viện Khoa học Dữ liệu, Viện Công nghệ New Jersey nhận định: "Nhu cầu siêu ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ trưởng thành của thị trường".
"Tại các quốc gia mới nổi, siêu ứng dụng giúp giải quyết vấn đề hạ tầng, từ hệ thống thanh toán phân mảnh, mạng internet hạn chế đến việc thiếu đồng bộ giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Còn ở Hoa Kỳ, mọi thứ đều sẵn sàng: người dùng có hàng loạt ứng dụng chuyên biệt hoạt động hiệu quả. Vấn đề chính nằm ở niềm tin và quyền riêng tư – hai điều khiến họ không sẵn sàng hợp nhất tất cả trải nghiệm vào một ứng dụng duy nhất".
Từ góc độ kỹ thuật, Meta rõ ràng đang định vị WhatsApp trở thành siêu ứng dụng. Việc tích hợp dịch vụ doanh nghiệp, đại lý AI và triển khai thanh toán trực tuyến cho thấy hãng đang theo đuổi chiến lược hợp nhất nền tảng. Điều đáng chú ý là cách Meta khai thác AI, đặc biệt là mô hình LLaMA, để tạo ra trải nghiệm phù hợp với từng cuộc hội thoại, không chỉ đơn thuần là thêm tính năng.
"Động lực thực sự của Meta chính là dữ liệu và kiểm soát", ông David kết luận. "Các tương tác rời rạc tạo ra dữ liệu rời rạc. Khi mọi hành vi đều được thực hiện trong WhatsApp, Meta có thể nhìn thấy toàn bộ hành trình người dùng – từ tìm kiếm đến mua sắm và chăm sóc khách hàng. Đây là lợi thế khổng lồ trong phát triển AI, quảng cáo nhắm mục tiêu và phân tích dự đoán".